Xử lý ô nhiễm hệ thống kênh rạch giáp ranh: Các địa phương cùng chung tay
Xử lý ô nhiễm hệ thống kênh rạch giáp ranh: Các địa phương cùng chung tay
TP.HCM đã và đang nỗ lực làm sạch các dòng kênh đen nhằm giảm tối đa ô nhiễm môi trường, đem đến chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, vì một số sông suối, kênh rạch lại chảy thông qua nhiều địa bàn.
Kênh, suối vẫn ô nhiễm
Tuyến thoát nước lưu vực suối Cái – suối Nhum – suối Xuân Trường và kênh Ba Bò (giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương) đã được 2 địa phương phối hợp triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Kênh Ba Bò được TP.HCM và Bình Dương đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để cải tạo, hai bên bờ đã kè bê tông kiên cố, tuy nhiên nước dưới kênh luôn bốc mùi hôi thối. Theo quan sát, có khá nhiều ống dẫn nước thải sinh hoạt được người dân nối thẳng ra kênh. Dưới cái nắng chang chang, mùi hôi bốc lên từ dòng kênh càng ngột ngạt hơn.
Ghi nhận tại suối Nhum cũng tương tự. Mặc dù đã được bê tông, kè hai bên nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn phổ biến, nước dưới kênh luôn có màu đen, bốc mùi hôi khó chịu do nước thải từ các khu dân cư trực tiếp đổ vào.
Chỉ tay xuống dòng kênh Ba Bò đang nổi bọt trắng, ông Trần Văn Đang (sống gần khu vực chân cầu tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) buồn rầu cho biết: Người dân kỳ vọng khi được cải tạo xong, kênh Ba Bò với dòng nước “chết” sẽ được “hồi sinh”, hàng trăm hộ dân sống bên dòng kênh sẽ thoát khỏi mùi hôi thối. Thế nhưng, hiện tại môi trường vẫn còn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa được xử lý hết, vẫn đổ vào. Ông Đang lo lắng tình trạng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ nhỏ.
Kết quả quan trắc của Sở TNMT Bình Dương cho thấy, lượng nước mặt trên kênh Ba Bò và suối Cái – suối Nhum – suối Xuân Trường trong năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, một số thời điểm chất lượng nước trên hệ thống các kênh này vẫn còn ô nhiễm hữu cơ, nguyên nhân chủ yếu do tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của các hộ dân cư ở khu phố 11, 16, phường Bình Hòa, TP Thuận An; nước thải từ các hộ gia đình và một số đơn vị kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ gần khu vực ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trong khi đó, số liệu quan trắc chất lượng nước kênh Ba Bò của Sở TNMT TP.HCM trong năm 2023 cho thấy, các thông số BOD5 là 75% vị trí không đạt, mức vượt 1,21 – 8,23 lần; DO có 25% vị trí không đạt, mức vượt từ 1,1 – 2,4 lần; COD là 75% vị trí không đạt, mức vượt từ 2,31 – 8,1 lần; coliform 100% vị trí không đạt, mức vượt từ 4,68 – 64,2 lần. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt ở suối Cái – suối Nhum – suối Xuân Trường cũng bị ô nhiễm nặng: thông số COD là 100% vị trí không đạt, mức vượt 1,6 – 4,9 lần; BOD5 cũng 100% vị trí không đạt, mức vượt 1,8 – 6,4 lần; coliform (100% vị trí không đạt, vượt mức từ 28 – 280 lần); e.coli có 100% vị trí không đạt, mức vượt từ 200 – 5.600 lần… Nhìn chung, các thông số quan trắc chất lượng nước hệ thống kênh suối Cái – suối Nhum – suối Xuân Trường phần lớn đều không đạt so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT).
Chưa thể đấu nối xử lý nước thải
Theo ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Dương, mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, giám sát người dân không xả rác xuống kênh thông qua tổ chức các phong trào, hoạt động dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến kênh. Thế nhưng, một bộ phận người dân vẫn còn xả rác xuống kênh, chủ yếu là người bán hàng rong, người dân đi đường.
Mặt khác, chưa đấu nối hết nước thải sinh hoạt của các hộ dân lưu vực kênh Ba Bò vào các nhà máy xử lý nước thải đô thị do khó khăn trong việc thi công hạ tầng đấu nối; tiến độ xây dựng dự án tiêu thoát nước suối Nhum còn chậm (mới thực hiện được giai đoạn 1 đạt 77%, giai đoạn 2 tại khu vực hạ lưu kênh với chiều dài khoảng 250 m đang phải ngưng thi công do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng).
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm hệ thống tuyến thoát nước lưu vực suối Cái – suối Nhum – suối Xuân Trường và kênh Ba Bò, Sở TNMT TP.HCM sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh dọc các tuyến kênh; rà soát quỹ đất công phù hợp đưa vào quy hoạch các trạm quan trắc tự động ở khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:
Tăng cường công tác giám sát nguồn thải
Bình Dương sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm như tăng cường kiểm tra, giám sát đối với Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 và các cơ sở trong khu công nghiệp. Tăng cường giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn thông qua hệ thống quan trắc tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động.
Mặt khác, phối hợp với Quân đoàn 4 rà soát, xác định các nguồn thải phát sinh từ quá trình hoạt động của đơn vị, bao gồm việc xử lý và xả nước thải sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải
Để bảo vệ hệ thống kênh rạch giáp ranh tỉnh Bình Dương, thành phố giao Sở TNMT tiếp tục rà soát các nguồn thải ra lưu vực kênh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp xả thải ra lưu vực này; phối hợp tỉnh Bình Dương để xử lý tình trạng ô nhiễm ở các tuyến kênh.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng tiếp tục triển khai đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045, trong đó đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1; trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2. Giao Sở KHĐT chủ trì xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải này.
TPHCM và Long An phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt
Để chủ động và kịp thời phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt tại lưu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Long An, UBND TP.HCM đã giao Sở TNMT TP.HCM phối hợp Sở TN-MT tỉnh Long An xây dựng kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực kênh giáp ranh giữa 2 địa phương giai đoạn 2024 – 2030.
Theo đó, 2 địa phương kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm, chia sẻ dữ liệu quan trắc nước mặt định kỳ 2 tháng/lần tại các vị trí giáp ranh trên các tuyến kênh Thầy Cai, An Hạ, sông Cần Giuộc, sông Bến Lức – Chợ Đệm; chia sẻ dữ liệu từ các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có nguồn thải lớn ra khu vực giáp ranh; chia sẻ kết quả thanh kiểm tra, kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường đối với các trường hợp vi phạm; duy trì kênh thông tin liên lạc qua đường dây nóng để kịp thời phối hợp.
TP.HCM giao Sở Xây dựng triển khai Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030. Sở KH-ĐT chủ trì, xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Sở NN-PTNT tăng cường thực hiện các quy định quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đối với đoạn kênh Thầy Cai – An Hạ; chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và khơi thông dòng chảy đối với đoạn kênh Thầy Cai – An Hạ.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung thuộc lưu vực; huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 8, Bình Tân rà soát, cập nhật các nguồn thải thuộc thẩm quyền quản lý có xả nước thải ra lưu vực giáp ranh; tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị