Xử lý nghiêm các “hung thần” xa lộ
Sau khi Thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhu cầu xây dựng và hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán tăng cao, vì vậy nhiều đơn vị kinh doanh thường xếp thêm hàng hóa trong mỗi lần vận chuyển.
Theo khảo sát, những khu vực thường có nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động là đường Vành đai 3 (từ Phạm Văn Đồng đến Khuất Duy Tiến), đường Giải Phóng, đường Nguyễn Trãi – Trần Phú…, thậm chí một số chủ xe còn bất chấp quy định, ngang nhiên chạy trên đường khi chưa đến giờ được phép hoạt động. Bên cạnh đó, chủ xe tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính 2.003 trường hợp, phạt tiền hơn 7 tỷ đồng, tạm giữ 24 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 175 trường hợp. Trong đó, có 262 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải…
Theo chân tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), khoảng 20h30 ngày 29/11, tại ngã 3 Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết, ghi nhận 4 chiếc xe ô tô trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng nối đuôi nhau chạy. Khi nhìn thấy lực lượng chức năng đứng chốt bên kia đường, một số lái xe định bỏ chạy theo hướng khác. Tuy nhiên, do đã chuẩn bị các phương án đón lõng nên toàn bộ phương tiện và lái xe cố tình vi phạm đã bị lập biên bản xử phạt.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 kiểm tra, xử lý xe trọng tải lớn. |
Trong những tháng cuối năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và nhiệm vụ khác của địa phương, tiếp tục thực hiện nghiêm túc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Tổng cục đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để xe quá tải lưu thông qua các tuyến đường tiếp giáp từ các tỉnh vào Hà Nội. Trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ chỉ đạo xử lý tận gốc đối với chủ phương tiện, chủ hàng |
Đến 21h30 cùng ngày, tuyến đường Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết đã trở nên im ắng lạ thường, không còn thấy cảnh những chiếc xe được coi là “hung thần” đường phố sầm sập chạy trên đường. Nhận định bị lộ vị trí cắm chốt, tổ công tác đã thay đổi phương án kiểm tra. Tổ công tác đã sử dụng xe tuần tra vào sâu khu vực có các công trường đang thi công xây dựng, tại đây, đã phát hiện một xe trọng tải lớn đang chở vật liệu xây dựng, có dấu hiệu chở quá tải. Tổ công tác đã kiên quyết đưa phương tiện đi kiểm tra tải trọng, kết quả chiếc xe này đã chở quá 90% khối lượng cho phép. Theo Nghị định 100, lái xe và chủ doanh nghiệp sẽ bị xử phạt gần 30 triệu đồng…
Thiếu tá Trần Quang Chinh – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, cho biết, sau khi tổ công tác lập biên bản xử lý 4 xe trước đó, lập tức các xe phía sau di chuyển sang cung đường Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu để trốn tránh lực lượng chức năng. Chính vì mức phạt nặng, nên hiện nay việc xử lý xe quá khổ quá tải, vật liệu rơi vãi gặp nhiều khó khăn, bởi các chủ doanh nghiệp và lái xe luôn tìm đủ mọi cách để đối phó.
Cách đó không xa, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 cũng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Láng, phát hiện xe ô tô tải đang lưu thông trên đường chở vật liệu xây dựng khi chưa đến giờ được phép hoạt động. Tổ công tác đã tiến hành chặn, bắt và xử lý, tuy nhiên lái xe không xuất trình được giấy tờ theo quy định và có thái độ không hợp tác. Phải đến gần một tiếng sau, chủ xe mới mang giấy tờ xe và bằng lái đến, lúc này tổ công tác mới thiết lập được hồ sơ, biên bản xử phạt. Đây cũng là một trong những khó khăn của lực lượng chức năng khi tiến hành xử lý xe quá khổ, quá tải. Thượng úy Trịnh Văn Hải – Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, cho biết, đa số các lái xe đều là người làm thuê, giấy tờ xe do chủ doanh nghiệp nắm giữ nên đã gây khó khăn khi xử lý. Trung bình để lập được biên bản xử phạt, tổ công tác sẽ mất khoảng 20-30 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ như trường hợp trên.
Tương tự, trên tuyến đường Thanh Bình – Lê Trọng Tấn, thuộc địa bàn quận Hà Đông, do là tuyến đường vành đai, các xe tải được hoạt động 24/24. Để hạn chế phương tiện xe quá khổ, quá tải chạy ẩu, rơi vãi vật liệu ra đường gây mất an toàn giao thông, từ đêm đến sáng ngày hôm sau, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 luôn bố trí một tổ công tác sử dụng xe ô tô tuần tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thiếu tá Nguyễn Duy Khánh, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội các công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thiện để đảm bảo tiến độ, do đó các phương tiện trọng tải lớn ngày càng gia tăng trên các tuyến đường. Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 sẽ tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, đồng thời “mạnh tay” xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 6 đoạn giao cắt ngã tư bắt đầu vào đường Hồ Chí Minh tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình trong những ngày qua mật độ phương tiện nhất là xe tải, xe container hoạt động khá rầm rộ. Đội Cảnh sát giao thông số 12 đã triển khai quyết liệt kế hoạch tuần tra kiểm soát xử lý xe tải vi phạm các lỗi quá tải, rơi vãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, đơn vị nhận định Quốc lộ 6 là trọng tâm. Khu vực đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn đơn vị quản lý là trọng điểm. Các tuyến đường qua khu vực Quốc lộ, khu dân cư là trọng yếu. Quan điểm này được Ban chỉ huy đơn vị áp dụng trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và đấu tranh, phòng ngừa tai nạn, các hành vi vi phạm giao thông khác.
“Đội Cảnh sát giao thông số 12 đã bố trí phù hợp, linh hoạt các tổ công tác trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Nắm vững tâm lý cũng như diễn biến của lái xe, doanh nghiệp vận tải, trong công tác kiểm tra của Cảnh sát giao thông đảm bảo những yêu cầu về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành vi của lái xe, đặc biệt là ý thức trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp, lái xe. “Biện pháp xử lý cao nhất là xử phạt và phải làm chuyển biến được ý thức của lái xe, doanh nghiệp. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ phối hợp và đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hoặc đình tài, có biện pháp mạnh hơn…”, Trung tá Vũ Văn Hoài – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 cho biết./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô