Xử lý hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích của giao dịch mạng, tình trạng hàng giả, hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến; gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế, an toàn tính mạng và mất niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời xử lý vấn nạn trên, góp phần phát triển nền kinh tế số. 

Chú thích ảnh
Thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng được nhiều người lựa chọn. Ảnh minh họa: TTXVN

Bùng nổ tăng trưởng ngành thương mại điện tử

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Trong thời kỳ dịch COVID-19, thương mại điện tử trở thành công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong và sau dịch.

Thực tế, đà tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đã bắt đầu từ trước dịch với mức tăng trưởng trung bình 25-28%/năm, song trong giai đoạn 2020-2021 có phần chững lại (16-18%/năm). Tuy nhiên, trong năm 2023, thị trường thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng bùng nổ và vươn lên mạnh mẽ. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cho thương mại điện tử như logistics, giao hàng chặng cuối, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng viễn thông, internet và những công nghệ mới, giải pháp mới trong thương mại điện tử đã được triển khai ở Việt Nam.

Mặt khác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng sôi động, cộng hưởng với sức mua có phần tăng mạnh sau dịch COVID-19 giúp cho thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ), Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo Kế hoạch đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025; định hướng đến năm 2030, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2025 đạt 10%.

Một nghiên cứu của Hãng nghiên cứu thị trường Statista-một cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu và nội dung nghiên cứu của hơn 170 ngành công nghiệp và đã thực hiện hơn 1 triệu số liệu nghiên cứu thống kê, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trung bình của thế giới là 19,4%. Do vậy, thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia…

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá, sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay kéo theo diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để hạn chế vấn đề này từ phía các cơ quan nhà nước, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chủ sàn thương mại điện tử, tuy nhiên, vấn nạn này đã và đang là thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định, nguyên nhân chính của hạn chế này là do nhiều chủ thể kinh doanh chưa ý thức chấp hành pháp luật, chạy theo lợi nhuận bất chính và đồng thời, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao.

Lấy ví dụ cụ thể, bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, các cơ quan chức năng đang gặp một số khó khăn khi xử lý hàng nhái, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử. “Chẳng hạn như việc tồn tại địa chỉ kinh doanh “ma”, khi mua bán, khách hàng có thể thấy hiển thị địa chỉ của nơi bán. Nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đến địa chỉ đó thì hầu hết không phải là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh”, bà Quỳnh cho biết.

Một khó khăn khác, theo bà Quỳnh, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xác định hành vi vi phạm. Ví dụ, trên giao diện điện tử, khách hàng nhận thấy hình ảnh chụp túi thương hiệu Louis Vuitton và có đơn khiếu nại vì nhận được hàng giả. Nhưng khi cơ quan chức năng đến nơi kiểm tra thì bên vi phạm lại trưng hình ảnh phóng to cho thấy đó không phải là hình ảnh biểu tượng của nhãn hiệu Louis Vuitton. Hoặc có những tình huống sau khi nhận được khiếu nại, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đối tượng đã kịp xóa bỏ hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng

Để xử lý vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tham mưu trình Lãnh đạo Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Cùng với đó, hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm trên môi trường Internet. Đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng trong việc xử lý vi phạm hành chính về hàng giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bộ cũng tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong đấu tranh xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử thông qua tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh xử lý; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin.

Đồng thời, xây dựng Đề án đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay trình Bộ trưởng xem xét, áp dụng trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; chú trọng hỗ trợ cho ý kiến chuyên môn đối với các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí đề nghị; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó bao gồm vi phạm về tên miền, website đăng tải thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

“Chúng tôi đang nâng cao năng lực cho cán bộ trong việc xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với nhiều cơ quan đẩy mạnh nhận thức, ý thức cho người mua hàng online, để giúp người mua phân biệt hàng giả, hàng thật và tẩy chay hàng giả”, bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đây là bước chỉ đạo kịp thời nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động này được minh bạch, lành mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Có thể nói, chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế số. Bên cạnh các giải pháp chính sách sát thực tiễn được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đưa ra, vai trò của các sàn thương mại điện tử trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng. Thời gian tới, cần có các quy định cụ thể và mang tính pháp lý để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong công tác này. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng giả; “nói không” với các loại hàng nhái thương hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích