Xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 5,4%

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Phan Ngân Sơn cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, năm 2021, Cục SHTT đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động trên hầu hết các mặt công tác.

Đặc biệt, Cục đã xử lý 73.441 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) – tăng 5,4% so với năm 2020, trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 8,2%, đơn khiếu nại về SHCN tăng gần 50% và các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 30%.

Công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra; việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động SHTT ở các Bộ, ngành và địa phương. Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về SHTT được triển khai một cách chủ động và tích cực; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, APEC, WTO, WIPO và các đối tác song phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Cục SHTT. 

Cục đã hoàn thành thủ tục gia nhập Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh trong đăng ký sáng chế; xây dựng và triển khai hàng loạt hoạt động đào tạo tập huấn về SHTT theo hình thức trực tuyến; hoàn thiện các Thông tư quản lý và hướng dẫn tài chính cho Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm thanh long Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) và vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang); hoàn thành Dự án “Thiết kế biểu trưng Chỉ dẫn địa lý quốc gia”,…

Các kết quả nêu trên làm cho hoạt động của Cục SHTT ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ/ngành và địa phương, góp phần đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, theo ông Phan Ngân Sơn, hoạt động của Cục SHTT vẫn còn khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19. Khối lượng công việc của Cục rất lớn (bao gồm việc thường xuyên và đột xuất) nhưng thiếu nhân lực và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao; nguồn kinh phí thường xuyên ngày càng bị thu hẹp. Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Để giải quyết những bất cập trên, Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn cho biết, trong năm 2022, Cục SHTT sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN Đề án Kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực của Cục giai đoạn 2021-2026 và tổ chức triển khai Đề án sau khi được phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 và triển khai xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030.

Triển khai các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; ban hành các Quy chế tiếp nhận, xử lý đơn SHCN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực SHCN; xây dựng và đưa vào hoạt động Bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn SHCN.

Chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực quốc tế nhằm nâng cao năng lực của Hệ thống SHTT; phát triển mạng lưới các trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài, v.v..

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí phát biểu kết luận Hội nghị.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, Vụ Pháp chế và các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chúc mừng Cục SHTT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thể hiện trên nhiều mặt công tác trong năm 2021 trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thứ trưởng cho biết, SHTT ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và thương mại quốc tế. Thứ trưởng yêu cầu Cục cần nghiên cứu, có cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn để nâng cao vai trò của SHTT đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, để SHTT thực sự là công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, nhưng hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn có nhiều điểm sáng trong công tác chuyên môn, thể hiện qua kết quả xử lý đơn SHCN, công tác xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội,…

Cục trưởng cho biết, nhiệm vụ trong năm 2022 cũng rất nặng nề, tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục SHTT quyết tâm nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Lãnh đạo Bộ KH&CN giao và để chào mừng 40 ngày thành lập Cục.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích