Xử lý công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn thế nào?

(Xây dựng) – Tại dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất quy định mới về xử lý đối với công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng.

Xử lý công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn thế nào?
Trường hợp công trình đường sắt xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Thông tư 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện hành, việc xử lý đối với công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng được quy định như sau:

Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có trách nhiệm: Thường xuyên theo dõi, tuần, gác, kiểm tra, quan trắc để kịp thời phát hiện công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình hư hỏng, xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng. Khi phát hiện công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng phải có trách nhiệm báo cáo ngay về Cục Đường sắt Việt Nam; đồng thời thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo về công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Trường hợp công trình đường sắt xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định xử lý đối với công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng như sau:

Trong quá trình thực hiện bảo trì công trình đường sắt, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, đơn vị trực tiếp thực hiện bảo trì công trình phải kịp thời phát hiện công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình đường sắt hư hỏng, xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng để xử lý theo quy định.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình đường sắt hư hỏng, xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản có trách nhiệm: 1- Quyết định biện pháp khẩn cấp và tổ chức xử lý để bảo đảm an toàn chạy tàu; 2- Tổ chức kiểm tra công trình, lập báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và đề xuất tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết), quan trắc công trình và sửa chữa đột xuất công trình.

Khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo về công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Trường hợp công trình đường sắt xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện như sau: 1- Tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản quyết định biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn chạy tàu; tổ chức kiểm tra công trình, lập báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và đề xuất biện pháp xử lý; 2- Khi nhận được báo cáo về sự cố công trình đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích