Xử lý các cuộc thi hoa hậu kém chất lượng là điều cần thiết
Miss Peace Vietnam là cuộc thi gây nhiều ồn ào, chưa có tên gọi tiếng Việt. Ảnh: BTC |
Mạnh tay với những cuộc thi hoa hậu kém chất lượng
Trong vòng 5 năm trở lại đây, chưa thời điểm nào nước ta có nhiều cuộc thi hoa hậu như hiện tại. Theo thống kê, năm 2022 có khoảng 60 cuộc thi hoa hậu, từ bây giờ đến cuối năm, ít nhất trên 10 cuộc thi lớn, nhỏ được tổ chức. Tên gọi các cuộc thi chồng chéo, khó phân biệt – khán giả nhầm lẫn – cũng là chuyện đương nhiên.
Khách quan, việc tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu chưa hẳn xấu nếu các cuộc thi mang lại những giá trị nhất định cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, việc lạm dụng các cuộc thi, trao danh hiệu đại trà, những thông tin về sự “trao đổi, mua bán danh hiệu” và xem cuộc thi như “một nghề kiếm ra tiền” khiến các cuộc thi hoa hậu trong nước trở nên tầm thường trong mắt công chúng.
Hồi tháng 7.2022, Ban tổ chức Hoa hậu thiếu niên Việt Nam đã bị Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM nhắc nhở vì tổ chức cuộc thi chưa xin phép. Hết thi hoa hậu quý bà, doanh nhân đến bây giờ thêm thi hoa hậu nhí… Có thể thấy tràn lan các cuộc thi hoa hậu.
Trong Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các quy định pháp luật có liên quan, chú trọng việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động chuyên môn; thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (triển khai giải pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn…) đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên không gian mạng có vi phạm.
Đối với các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn…
Việc siết lại các cuộc thi sắc đẹp trong nước là cần thiết
Trên thế giới, nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức hằng năm. Tuy nhiên, chỉ có 6 cuộc thi được công nhận là có thâm niên, tổ chức chuyên nghiệp: Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Hoà bình Quốc tế (Miss Grand International), Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Siêu Quốc gia (Miss Supranational)… Việt Nam nhiều năm qua, từng cử đại diện tham dự, tuy nhiên chỉ dừng ở mức lọt top chứ chưa thể chạm tay đến vương miện. Cho đến cú hích từ Phương Khánh với ngôi vị cao nhất của Miss Earth 2018, mới có hy vọng về những việc người đẹp Việt đủ sức chạm tay vào những chiếc vương miện danh giá.
Còn nhớ, thành tích top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018 của H’Hen Niê đã làm thay đổi quan niệm về cái đẹp tại Việt Nam, cũng như việc chọn đại diện thi quốc tế. Năm ấy, H’Hen Niê còn gây nức lòng người hâm mộ khi được chuyên trang Missosology trao giải Timeless Beauty (Vẻ đẹp vượt thời gian). Hay năm 2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế. Năm 2022, Nguyễn Huỳnh Kim Duyên giành ngôi Á hậu 2 Hoa hậu Siêu quốc gia 2022.
Hai người đẹp Thùy Tiên, H’Hen Niê – sở dĩ danh hiệu, tên tuổi của họ có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng bởi họ đăng quang hoặc lọt top cao từ những cuộc thi uy tín. Và hơn hết là sứ mệnh, công việc họ thực hiện, đóng góp cho cộng đồng sau khi mang trên mình danh hiệu hoa hậu. Vì thế, rõ ràng các cuộc thi sắc đẹp về cơ bản không xấu, tuy nhiên việc ồ ạt tổ chức các cuộc thi sắc đẹp vô tội vạ như hiện nay, vô hình chung biến các cuộc thi sắc đẹp, các danh hiệu trở nên tầm thường. Thậm chí với những người đăng quang ở những cuộc thi lớn như: Thùy Tiên, Phương Khánh… vô hình chung cũng bị đánh đồng, ảnh hưởng từ hệ luỵ của việc tổ chức hoa hậu vô tội vạ.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn bày tỏ: “Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy góc nhìn về các cuộc thi hoa hậu bắt đầu thiếu thiện cảm. Bởi vì trong cái “vàng thau lẫn lộn” ấy, khán giả không đủ thời gian và chuyên môn để phân tích mục đích của Ban tổ chức, cho nên họ đánh giá chung chung cho hiện trạng “loạn hoa hậu”, khiến các cuộc thi lớn bị ảnh hưởng uy tín, giảm giá trị danh hiệu hoa hậu trong lòng công chúng. Bản thân những người làm trong nghề cũng không thể chứng minh được mục đích và ý nghĩa của cuộc thi mình tổ chức cho nên mọi người dần cảm thấy chữ hoa hậu bị tầm thường đi”.
Về chuyện siết lại, quản lý các cuộc thi hoa hậu, ông Phúc bày tỏ: “Chúng ta sẽ tổ chức nhiều hơn 2 cuộc thi hoa hậu, nhưng phải quản lý và phải xác định rõ mục đích và nhu cầu của đơn vị tổ chức là gì, công ty đó có đủ chuyên môn, định hướng và có thực hiện được điều mà mình tuyên bố hay không? Có nghĩa là chúng ta vẫn phải cần nhiều hơn số 2 nhưng mà chúng ta phải kiểm soát rất chặt chẽ”.
Theo các chuyên gia nhìn nhận, từ Chỉ thị của Bộ VHTTDL, việc quản lý chặt chẽ lại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và nghiêm khắc xử lý các cuộc thi sai phạm là cần thiết, nhằm triệt tiêu những cuộc thi vô bổ, tổ chức để mua bán giải, lấy danh xưng trục lợi.
Theo NGỌC DỦ/Laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/xu-ly-cac-cuoc-thi-hoa-hau-kem-chat-luong-la-dieu-can-thiet-1098142.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô