Xử lý các chất được kiểm soát theo QCVN 76:2023/BTNMT giúp giảm thiểu tác hại tới sức khỏe và môi trường
Hiện nay, nhu cầu của ngành lạnh và điều hòa không khí đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển do những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực thực phẩm, y tế, năng lượng và môi trường.
Theo ước tính của Hội Lạnh quốc tế (IIR), lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng điện năng thương phẩm trên toàn thế giới và môi chất lạnh phát thải trực tiếp khoảng 37% tác động đến quá trình nóng lên toàn cầu.
Theo Điều 5 Bản sửa đổi bổ sung Kigali, Việt Nam là quốc gia thuộc “Nhóm 1” phải cắt giảm 80% lượng môi chất lạnh thuộc nhóm HFC vào năm 2045. Thực hiện quy định nêu trên, ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal (gọi tắt là các chất được kiểm soát) theo quan điểm quản lý vòng đời trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí.
Tại khoản 6 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát”. Theo đó ngày 30/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 20/2023/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát. Việc ban hành Quy chuẩn này là rất cần thiết nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát.
Quy chuẩn quốc gia QCVN 76:2023/BTNMT quy định việc thu gom các chất được kiểm soát phải tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn và các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Thiết bị chuyên dụng để thu gom các chất được kiểm soát phải được kiểm định, hiệu chuẩn trước khi sử dụng theo quy định của pháp luật về đo lường. Các thiết bị bao gồm: Máy thu hồi, bình chứa thu hồi, cân định lượng, bơm chân không, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất, thiết bị đo nhiệt độ, đồng hồ đo điện.
Việc thực hiện thu gom cần bảo đảm loại bỏ hoàn toàn khí không ngưng trong bình chứa thu hồi. Trong trường hợp bình chứa thu hồi mới chưa sử dụng, phải thu gom các chất riêng biệt theo từng loại, bình chứa thu hồi được ghi nhãn và luôn đặt theo phương thẳng đứng, sử dụng thiết bị kiểm tra rò rỉ trong suốt quá trình thực hiện và ghi chép sổ nhật ký hoạt động thu gom các chất được kiểm soát.
Yêu cầu về thu gom các chất được kiểm soát cần chuẩn bị các thiết bị chuyên dụng cần thiết quy định tại Quy chuẩn này trước khi thực hiện thu gom các chất được kiểm soát. Sử dụng bơm chân không để loại bỏ hoàn toàn khí không ngưng trong bình chứa thu hồi trong trường hợp bình chứa thu hồi mới chưa sử dụng. Thu gom các chất được kiểm soát riêng biệt theo từng loại vào mỗi bình chứa thu hồi bằng máy thu hồi.
Chất được kiểm soát được nạp vào bình chứa thu hồi không quá 80% khối lượng (đơn vị tính là kg) hoặc 70% thể tích của bình chứa thu hồi theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng cân định lượng để xác định khối lượng của bình chứa thu hồi. Khối lượng chất được thu gom tùy thuộc theo loại và áp suất làm việc của chất được kiểm soát.
Sử dụng thiết bị kiểm tra rò rỉ trong suốt quá trình thực hiện thu gom chất được kiểm soát. Ghi nhãn bình chứa thu hồi với thông tin tối thiểu như sau: số hiệu môi chất lạnh, mối nguy hiểm và cảnh báo (nếu có). Đặt các bình chứa thu hồi đã thu gom các chất được kiểm soát theo phương thẳng đứng. Thực hiện ghi chép sổ nhật ký với thông tin tối thiểu như sau: họ và tên kỹ thuật viên, thời gian và địa điểm thực hiện; số hiệu môi chất lạnh; khối lượng hoặc thể tích của chất được kiểm soát; số hiệu thiết bị, sản phẩm có chứa chất được kiểm soát.
Việc vận chuyển các chất được kiểm soát phải tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn và quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Các chất được kiểm soát phải được vận chuyển trên các phương tiện đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sử dụng xe mô tô hoặc xe gắn máy, bình chứa thu hồi các chất được kiểm soát phải được đặt theo phương thẳng đứng, gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy. Kích thước của bình chứa thu hồi gắn trên xe mô tô, xe gắn máy bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Trường hợp sử dụng xe tải thùng hở hoặc xà lan, bình chứa thu hồi các chất được kiểm soát phải được đặt theo phương thẳng đứng và có phủ bạt kín che nắng, mưa. Trường hợp sử dụng các phương tiện khác, thực hiện theo quy định của pháp luật về vận chuyển hóa chất và có ít nhất một cảm biến phát hiện rò rỉ các chất được kiểm soát.
Thực hiện ghi chép sổ nhật ký hoạt động vận chuyển các chất được kiểm soát với thông tin tối thiểu như sau: số hiệu môi chất lạnh; khối lượng hoặc thể tích của chất được kiểm soát; thời gian vận chuyển, địa điểm tiếp nhận các chất được kiểm soát. Việc vận chuyển các chất được kiểm soát từ điểm thu gom để xử lý các chất đó thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Các chất được kiểm soát phải được lưu giữ trong các bình chứa thu hồi quy định tại Quy chuẩn này. Bình chứa thu hồi phải được đặt theo phương thẳng đứng, không được lăn hoặc tác động mạnh trong quá trình lưu giữ.
Các chất được kiểm soát có tính cháy ở mức A2, A3 được phân loại an toàn theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6739:2015 (ISO 817:2014) về Môi chất lạnh – Ký hiệu và phân loại an toàn phải được lưu giữ, bảo quản tương tự như khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc khí dễ cháy và tuân thủ quy định của pháp luật về lưu giữ, bảo quản an toàn khí.
Yêu cầu về khu vực lưu giữ các chất được kiểm soát phải có đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Bảo đảm thông gió thường xuyên; tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, các nguồn nhiệt, nguy cơ cháy khác; không được phun ngọn lửa hoặc hơi có nhiệt độ cao vào bình chứa thu hồi các chất được kiểm soát. Mặt sàn không được trũng để tránh các chất được kiểm soát có thể tích tụ gây nguy hiểm cho người hoặc gây cháy nổ khi rò rỉ ra bên ngoài. Có phân chia ô hoặc khu vực lưu giữ riêng cho từng loại chất được kiểm soát. Trường hợp lưu giữ các chất được kiểm soát trong không gian kín phải có ít nhất một cảm biến phát hiện rò rỉ các chất được kiểm soát. Thực hiện ghi chép sổ nhật ký hoạt động lưu giữ các chất được kiểm soát với thông tin tối thiểu như sau: số hiệu môi chất lạnh; khối lượng hoặc thể tích của chất được kiểm soát; thời gian tiếp nhận các chất được kiểm soát.
Các chất được kiểm soát sau khi tái chế phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng quy định tại Quy chuẩn này. Các chất được kiểm soát sau khi tái chế phải lưu giữ trong các bình chứa thu hồi quy định tại mục 2.1.2.2 Quy chuẩn này, trừ việc mã hóa màu sắc bình chứa thu hồi theo Hướng dẫn N năm 2017 của AHRI về Phân loại màu sắc bình chứa thu hồi môi chất lạnh; được dán nhãn có dòng chữ “[Số hiệu môi chất lạnh] tái chế” kèm theo thông tin về mối nguy hiểm và cảnh báo (nếu có), các dòng chữ ghi trên nhãn phải rõ nét, không bị mờ và phai màu. Tái sử dụng các chất được kiểm soát áp dụng đối với tổ chức, cơ sở sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.
Việc chứng nhận hợp quy đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát được thực hiện theo phương thức 6 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN. Căn cứ kết quả tự đánh giá sự phù hợp đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc chứng nhận hợp quy đối với chất được kiểm soát sau khi tái chế được thực hiện theo 2 phương thức tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN. Cụ thể, phương thức 5 là thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Hoặc phương thức 7 là thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
Tổ chức, cơ sở có trách nhiệm công bố hợp quy đối với chất được kiểm soát sau khi tái chế theo quy định tại Quy chuẩn này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã được đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
An Dương