Xu hướng ‘thực phẩm xanh’ lên ngôi tại châu Âu

Xu hướng ‘thực phẩm xanh’ lên ngôi tại châu Âu

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh đang ngày càng trở thành dòng chảy chính trong ngành thực phẩm và đồ uống trên thế giới.

Thực phẩm là một phần cực kỳ quan trọng giúp duy trì sự sống của con người. Tuy nhiên, mối quan tâm của con người hiện nay không chỉ là lấp đầy cái bụng đói của mình, mà làm sao để “ăn tinh”, ăn chất lượng, vừa có thể tăng cường sức khỏe, tốt cho môi trường, mà lại kéo dài tuổi thọ.

Chính vì thế, người tiêu dụng hiện nay đang ủng hộ xu hướng sử dụng thực phẩm xanh.

Vậy thế nào mới thực sự là “xanh”?

Ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ đặc biệt hậu đại dịch COVID-19. Dù lạm phát cao, dai dẳng ảnh hưởng không ít tới túi tiền của các bà nội trợ, song xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh đang ngày càng trở thành dòng chảy chính trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Khi lướt mạng xã hội thì từ khóa mà chúng ta đã từng nghe là “Eat Clean” – lối sống ăn sạch. Đơn giản đó là ăn ít thịt, nhiều rau, thêm trái cây, bổ sung các loại hạt hay ngũ cốc. Còn để hiểu xu hướng tiêu dùng xanh là gì thì mới đây nhất tại Hội chợ thường niên quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống lớn nhất thế giới, có tên Anuga diễn ra đầu tháng 10 này, 7 xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống mới đã được đưa ra bao gồm: Tăng đạm thực vật, giảm đạm động vật, giảm phụ gia nhân tạo, nói không với thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm dán nhãn, ví dụ như không có chất béo, không đường, đồ ăn nhẹ, ăn vặt lấn lướt thậm chí thay thế bữa ăn chính. Rồi quay về với ngũ cốc truyền thống. Cuối cùng là xu hướng đóng gói bằng các chất liệu thân thiện môi trường.

Xu hướng thực phẩm xanh lên ngôi tại châu Âu - Ảnh 1.

Ấn tượng rõ ràng nhất từ Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Anuga năm nay là các nhãn hàng dành nhiều diện tích hơn nhấn mạnh yếu tố thân thiện môi trường và giảm thiểu phát thải. Rất nhiều sản phẩm không quảng cáo là ngon hay rẻ, mà nhấn mạnh vào quá trình sản xuất, bảo quản và vận chuyển thân thiện môi trường, bao bì làm từ vật liệu tái chế và sau lần sử dụng này lại có thể tái chế được nữa… Nhiều bao bì thực phẩm và đồ uống cũng cố tình được thiết kế cho có dáng vẻ là từ bìa carton tái chế thô ráp, trên nhãn có một vài chứng chỉ trung hòa khí thải… Do yếu tố thân thiện môi trường được nhấn mạnh, cho nên sản phẩm thô hoặc chế biến sơ qua lại đang là xu hướng tiêu dùng.

Cơ hội cho các mặt hàng thực phẩm Việt Nam

Hàng Việt nam được giới thiệu ở hội chợ chủ yếu là nông sản, có nông sản thô dạng nguyên liệu như cà phê, hạt tiêu, hoặc đã qua sơ chế như hạt điều, bún miến bánh tráng và hoa quả cắt miếng hoặc ép nước đông lạnh. Tất cả đều có nguồn gốc thực vật.

Trong xu hướng tiêu dùng lúc này ở châu Âu thì nông sản thô mộc, rõ ràng hình dạng ban đầu của nông phẩm, đang được ưa chuộng. Trong 7 xu hướng tiêu dùng thực phẩm lúc này ở châu Âu mà ban tổ chức hội chợ liệt kê, thì chúng ta phải quan tâm tới yếu tố bao bì, giảm đóng gói bằng nylon và nhựa, tăng bao bì giấy hoặc gỗ, nói chung là dùng vật liệu có hình thức thân thiện môi trường.

Xu hướng thực phẩm xanh lên ngôi tại châu Âu - Ảnh 2.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường là xu hướng tiêu dùng xanh đang được châu Âu chú trọng, đây là lưu ý mà các doanh nghiệp Việt nếu muốn bán sản phẩm cần quan tâm. Trên thế giới, tiêu dùng thực phẩm thuần thực vật hay có nguồn gốc thực vật cũng đang là một phong trào ngày càng phát triển. Không chỉ mang ý nghĩa sức khỏe hay tôn giáo, thực phẩm thuần thực vật cũng vô cùng đa dạng, trở thành một phong cách ẩm thực riêng và đang tạo ra một thị trường đầy tiềm năng.

Những chiếc burger thoạt nhìn không có gì khác biệt, song đó là những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thực vật. Những miếng phô mai chảy, béo ngậy, nay cũng được làm từ rau củ.

Những cửa hàng như thế này đang ngày càng phổ biến tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất – mảnh đất Trung Đông sa mạc, tập quán ăn uống từng được biết tới ít rau, chủ yếu là thịt.

Ông Grant Marais – Bếp trưởng nhà hàng Adrift, Dubai, UAE: “Từ dầu dừa, bột khoai tây, bột đậu nành… những nguyên liệu được chúng tôi đưa vào phòng thí nghiệm kết hợp làm sao tạo ra một hương vị gần gũi nhất với những chiếc burger truyền thông. Ngay cả phô mai cũng được làm từ bột khoai tây và một số loại hạt để tạo nên hương vị thơm ngon nhất.

Theo các số liệu, thị trường đồ ăn chay thuần thực vật đang tăng trưởng tới 25% mỗi năm. Số người ăn chay thuần thực vật có xu hướng trẻ hóa, đồ ăn thuần thực vật nay không chỉ được xem là thứ thực phẩm tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường. Nhiều người tìm đến ăn chay như một đam mê khám phá phong cách ẩm thực mới.

Xu hướng thực phẩm xanh lên ngôi tại châu Âu - Ảnh 3.

Chị Manisha Advani – Nhà hàng Soul Sante Dubai, UAE: “Tôi nhận ra rằng, nếu không ăn chay, mình sẽ chỉ lặp đi lặp lại những món ăn nhàm chán. Hôm thì gà, đến cá, rồi lại tôm… , nhưng khi ăn chay, tôi được thưởng thức vô vàn những hương vị rau củ khác nhau, những thứ trước đây mình còn chưa từng biết tới sự tồn tại của nó”.

Không còn đơn thuần là ăn chay vì sức khỏe hay tôn giáo, đồ ăn thuần thực vật ngày càng được cải thiện về mùi vị, độ tinh tế. Đồ chay ngon không phải là cố làm sao cho giống thịt, phải cuốn hút được thực khách bởi những hương vị riêng, thịt, cá không thể có.

Ông Andrew Pillay – Quản lý nhà hàng Kutir, Dubai, UAE: “Những gì chúng tôi muốn là bắt kịp với nhu cầu ẩm thực luôn đi tìm cái mới của thực khách, nhưng cùng lúc không đánh mất đi yếu tố có lợi cho sức khỏe của các món ăn”.

Hiểu đúng về thực phẩm có nguồn gốc thực vật tại Mỹ

Fair and Square gia nhập thị trường thực phẩm Mỹ với dòng sản phẩm bánh quy giòn. Bánh được làm hoàn toàn từ thực vật, nguyên liệu chủ yếu là chuối xanh, hoa hướng dương, bột sắn cùng phụ phẩm. Do đón đúng thị hiếu tiêu dùng, nên dù mới thành lập năm ngoái, doanh nghiệp này đến nay đã đưa được sản phẩm vào phân phối tại trên 50 siêu thị toàn miền Nam California.

Anh Alex Duong – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành công ty Fair & Square: “Sản phẩm của chúng tôi là bánh quy làm từ thực vật và không có đường. Có hai vị muối biển và phô mai. Bánh được làm từ bột chuối xanh, nó không có vị chuối và cũng không có đường, và vì thế nó không hại đường ruột và có nhiều lợi khuẩn”.

Xu hướng thực phẩm xanh lên ngôi tại châu Âu - Ảnh 4.

Thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc thực vật ngày càng được nhiều chuỗi siêu thị ở Mỹ đề cao, đặc biệt với chuỗi siêu thị cao cấp Erewhon. Ở đây thực phẩm phân phối phải là hữu cơ, không biến đổi gen, không chiếu xạ. Việc nuôi trồng còn đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường, mùa vụ, bền vững và tự nhiên. Sản phẩm có nguồn gốc thực vật trong siêu thị này rất đa dạng và có chỗ đứng riêng, có đủ loại từ bột protein, đồ ăn vặt, ăn nhanh cho đến thực phẩm chay. Đa số người dùng lựa chọn các sản phẩm này là vì sức khỏe.

Ông Ross – Khách mua hàng: “Tôi nghĩ là nó sạch, lành mạnh. Chúng tôi vẫn sử dụng thịt, nhưng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vẫn là một lựa chọn chúng tôi sử dụng nhiều nhất có thể cho chế độ ăn kiêng”.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực sự đang trong thời kỳ nở rộ. Trong những năm COVID-19, doanh số bán thực phẩm loại này tăng trưởng nhanh hơn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Năm ngoái, chỉ riêng thị trường bán lẻ ngành hàng này ở Mỹ đã có trị giá lên đến 8 tỷ USD. Thậm chí, người ta còn dự báo các sản phẩm có nguồn gốc thực vật có thể sẽ là động lực tăng trưởng chính cho thị trường thực phẩm bán lẻ ở Mỹ.

Tuy nhiên, thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng gặp không ít rào cản trên thị trường. Đặc biệt là hương vị và chi phí. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Good Food, trên 50% khách hàng không lựa chọn thực phẩm nguồn gốc thực vật vì mùi vị. Và ngay cả khi đã dùng rồi thì cũng có đến một nửa không dùng tiếp các sản phẩm này do mùi vị không như ý. Không những thế, cách tiếp thị sản phẩm cũng cần phải thay đổi.

Phản hồi của thị trường cũng cho thấy thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn nhiều dư địa để phát triển nếu đầu tư sâu nhằm cạnh tranh được cả về giá thành và mùi vị so với sản phẩm truyền thống.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích