Xu hướng sử dụng nhựa tái chế và vai trò trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Thực trạng “ô nhiễm trắng” – ô nhiễm do rác thải nhựa

Khái niệm “Ô nhiễm trắng” được các nhà khoa học dùng để gọi tên loại ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon không được qua xử lý kỹ lưỡng gây ra cho môi trường. Rác thải nhựa chiếm số lượng rất lớn trong các loại rác thải mà con người thải ra hàng ngày. Trong đó phải kể đến những loại rác thải dùng một lần như túi nilon, chai nhựa, cốc nhựa, đũa nhựa, thìa nhựa, hộp xốp,… Với những lợi ích ngắn hạn mà các sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần mang lại, với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, sản phẩm bằng nhựa đã và đang được sử dụng hầu như mọi lúc, mọi nơi.

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện đang ở mức báo động. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/ năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 30 tỷ túi nilon. Mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80 % số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần, số lượng được xử lý là rất ít.

Rác thải nhựa được thải ra môi trường gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa là vật liệu khó phân hủy, cần tới ít nhất 100 năm, thậm chí lên tới hàng nghìn năm mới có thể phân hủy được. Với tính chất khó phân hủy do đó trở thành tác nhân đẩy môi trường trước thảm họa ô nhiễm trầm trọng.

Theo báo cáo ”Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế năm 2021” của WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên), việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là loại dùng một lần không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm suy giảm nền kinh tế. Báo cáo của WWF cho thấy, Chính phủ và người dân các quốc gia đang vô tình sa lầy vào hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường. Các nghiên cứu chỉ ra mẫu số chung, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn 10 lần so với giá trị thị trường của nhựa nguyên sinh mang lại.

Như vậy việc triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nhựa tái chế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa là vô cùng cần thiết.

Rác thải nhựa chiếm số lượng rất lớn trong các loại rác thải mà con người thải ra hàng ngày. Ảnh minh họa.

Một số lợi ích của việc sử dụng sản phẩm nhựa tái chế

Giúp giảm lượng chất thải: Việc sử dụng sản phẩm nhựa tái chế sẽ tạo ra vòng tuần hoàn sử dụng nhựa, giảm được đáng kể lượng rác thải ra các bãi chôn lấp, sông, biển. Từ đó giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước và không khí.

Tiết kiệm năng lượng: So với quy trình sản xuất ra túi nilon nhựa sử dụng một lần. Theo nghiên cứu trên thế giới, tái chế một tấn túi nilon giúp tiết kiệm năng lượng điện tương đương 5.774 kilowatt/ giờ.

Giúp người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng bền vững: Cùng với những sản phẩm thân thiện môi trường khác như túi vải, túi từ chất liệu cây cỏ. Lối sống xanh và thân thiện với môi trường sẽ giúp cải thiện và duy trì chất lượng cuộc sống dài hạn.

An tâm về chất lượng: Sản phẩm nhựa tái chế vẫn có chất lượng và tính toàn vẹn cấu trúc cao nhất, điều này có nghĩa người tiêu dùng sẽ được sử dụng một loại sản phẩm xanh hơn, bền vững hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ổn định.

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn để hạn chế rác thải nhựa

Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Ảnh minh họa. 

Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung và quy định mới nhiều nội dung nhằm hạn chế việc phát sinh rác thải nhựa. Trong đó, các biện pháp như thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm thay thế sản phẩm nhựa và hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa và phế liệu nhựa từ nước ngoài là những biện pháp đã được quy định.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kinh tế tuần hoàn được quy định là một trong những chính sách của Nhà nước về Bảo vệ môi trường, theo đó việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội phải lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn. Luật cũng quy định rõ thế nào là kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Theo định nghĩa này, các khâu từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ bên cạnh mục tiêu giảm nguyên liệu đầu vào thì đều hướng tới việc kéo dài vòng đời sản phẩm. Khi sản phẩm được kéo dài với các hoạt động như tái chế, tái sử dụng khép kín vòng đời của mình thì sẽ không có hoặc rất ít chất thải được phát sinh ra môi trường. Khi nền kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy phát triển, chất thải nhựa cũng sẽ hạn chế phát sinh ra môi trường.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn quy định cụ thể về việc tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa nhằm hạn chế phát sinh rác thải nhựa ra môi trường. Luật Bảo vệ môi trường đã khẳng định nguyên tắc tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải. Đồng thời chính sách của Nhà nước về Bảo vệ môi trường cũng khẳng định chính sách tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải.

Kết luận

Tái chế nhựa chính là quá trình biến rác thải nhựa thành những đồ dùng, vật dụng khác nhau có khả năng phục vụ cho đời sống. Tái chế nhựa phải dựa theo quy trình nghiêm ngặt và được phân loại sàng lọc kỹ lưỡng. Từ đó, tái chế nhựa sẽ góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường, giúp bảo vệ môi trường đồng thời đặt nền móng cho mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả.

Đỗ Thị Thu Hiền –  Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích