Xu hướng “ngược dòng lao động”, không chỉ chuyện tiền lương
Trước đây người lao động coi “vào Nam” hay đến thành phố lớn là cơ hội tìm việc làm duy nhất thì nay tình hình đã khác.
Còn nhớ cách đây trên 15 năm, cứ sau dịp Tết Nguyên đán trên dọc tuyến quốc lộ 1A từ địa phận tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trở vào, hai bên đường luôn dài dằng dặc những đoàn người “tay xách, nách mang” đón xe vào Nam tìm việc.
Họ là những thanh niên đến tuổi lao động, là những cặp vợ chồng trẻ gửi lại con cái cho người thân để vào Nam kiếm việc với tiêu chí đơn giản là “đi tìm miếng cơm, manh áo”. Những chuyến xe ca (xe buýt) vào Nam sau Tết có sức chứa 45 người nhưng có khi “nhồi nhét” tới 60 hành khách cùng cơ man hành lý. Đây một thời là đề tài nóng hổi trên mặt báo và cơ quan chức năng cũng phải “căng mình” xử lý nạn xe chở quá tải khi đó.
Ở thời điểm đó, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nổi lên, thu hút rất nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung. Các địa phương khu vực Đông Nam Bộ nói chung khi đó được coi là những địa chỉ yêu thích, là điểm đến mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều người trẻ không có việc làm ở địa phương. Trở thành người “làm trong công ty”, làm cho công ty nước ngoài, là công nhân chính hiệu như là thương hiệu của một bộ phận thanh niên thời đó.
Lao động từ TPHCM về miền Tây trong đợt bùng phát dịch Covid tháng 10/2021 (Ảnh: Minh Anh). |
Và không thể phủ nhận, lúc bấy giờ, với áp lực giải quyết cho bình quân 1,7 triệu việc làm mới và khoảng 1,1 triệu người đến độ tuổi lao động hằng năm thì sự “bùng nổ” các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Đông Nam Bộ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động.
Thế nhưng đến nay, câu chuyện đã khác rất nhiều.
Sau Tết nguyên đán năm 2022 vừa rồi, đi dọc từ quê vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã không còn thấy cảnh hàng dài người đón xe như trước đây, chỉ lác đác vài điểm có người đón xe vào Nam và người trẻ cũng ít đi, họ không còn những “lỉnh kỉnh” đồ đoàn như trước. Hình như, nhu cầu vào Nam tìm việc giảm đi rất nhiều và phải chăng việc làm ở “trong Nam” không còn hấp dẫn người lao động?
Vậy điều gì đang xảy ra vậy? khi các tỉnh, thành phố phía Nam từ đầu năm 2022 đến nay luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, tình trạng nghỉ việc, nhảy việc của người lao động có những diễn biến bất thường khiến nhiều doanh nghiệp phải “chạy đôn, chạy đáo” để tìm người.
Có thể thấy sự chênh lệch về tiền lương và thu nhập không quá cao là một trong những lý do để người lao động lựa chọn giải pháp ở lại quê làm việc. Một lao động lý giải rằng, nếu làm việc ở phía Nam với tổng mức lương và thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì họ sẵn sàng chấp nhận làm việc ở quê với mức lương 6,5 triệu đồng. Bởi nếu làm việc ở quê họ không phải tốn thêm các chi phí thuê nhà, gửi con và nhất là chi phí sinh hoạt rẻ giúp họ có thêm tích lũy hơn hẳn làm ở thành phố lớn.
Mặt khác, trước áp lực về nguồn cung lao động, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm thâm dụng lao động cũng đã chuyển hướng chiến lược, thay vì đầu tư nhà máy ở các khu công nghiệp, họ tìm về các địa phương có nguồn cung lao động dồi dào để xây dựng nhà máy; tuyển dụng lao động “giá rẻ hơn” vào làm việc, không bị động về nguồn lao động cho các đơn hàng thời kỳ cao điểm.
Thực tế trong những năm qua, các địa phương khu vực phía Bắc, miền Trung thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư, nhiều nhà máy, dự án lớn đi vào hoạt động có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động, điều đó khiến cho người lao động địa phương dễ dàng tìm được việc làm hơn.
Còn nhớ, giữa lúc đại dịch Covid – 19 diễn biến căng thẳng trong năm 2021, chúng ta đã phải chứng kiến cảnh người dân, người lao động ồ ạt rời bỏ các thành phố lớn để về quê tránh dịch. Theo thống kê, riêng số công nhân lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê là khoảng hơn 1,3 triệu người. Đến nay, có phân nửa số này tự tìm việc làm tại chỗ, không quay trở lại các khu chế xuất, khu công nghiệp phía Nam. Các địa phương thuộc nhóm “cầu lao động” và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra các chính sách phúc lợi hấp dẫn, nhưng dường như hiệu quả không cao, số lao động về quê quay trở lại là không nhiều.
Qua đó thấy rằng, thay vì trước đây người lao động chỉ coi việc “vào Nam” hay đến thành phố lớn làm việc là cơ hội tìm việc làm duy nhất và là điều kiện để “đổi đời” thì nay đã khác, việc người lao động tự tìm việc làm tại địa phương mình một cách dễ dàng hơn với mức lương, thu nhập không có sự chênh lệch quá cao là biểu hiện của xu hướng “ngược dòng” trong chuỗi cung ứng lao động. Điều đó cũng đặt ra bài toán về cân đối cung – cầu lao động cho các địa phương trong phát triển.
Đó là, ở những tỉnh, thành phố đã có nền tảng phát triển cần phải tính đến việc chuyển chiến lược thu hút đầu tư từ thâm dụng lao động sang đầu tư vào công nghệ để giảm sức người; phải có chiến lược thu hút, trọng dụng lực lượng lao động có tay nghề cao và có các chính sách phúc lợi cơ bản để không chỉ giữ chân người lao động mà hơn thế là tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực trong xu hướng “dịch chuyển ngược” nguồn cung lao động như đang diễn ra.
Nhìn vấn đề trong bức tranh toàn cảnh, đây là xu hướng tất yếu và cần thiết trong việc phát triển các vùng kinh tế – xã hội đa dạng của Việt Nam dựa trên chức năng và lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng địa phương. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, điều chỉnh phân bố các ngành kinh tế thâm dụng lao động sẽ giúp giảm tải cho TPHCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ ở phía Nam và Hà Nội ở phía Bắc. Qua đó để các đô thị lớn tập trung vào các chức năng quan trọng, có giá trị gia tăng cao (trung tâm hành chính nhà nước, hoạt động ngoại giao, tài chính quốc tế, trung tâm khoa học cơ bản, du lịch, dịch vụ…). Chức năng sản xuất hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp… sẽ được phát triển ở các địa phương phù hợp. Và nhờ vậy, người lao động có điều kiện giảm bớt khoảng cách “ly hương” trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
Nguồn: Báo xây dựng