Xu hướng công nghệ – vật liệu trong công trình xây dựng
Theo ThS. Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đây là xu thế tất yếu và mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được yêu cầu: Tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc sản xuất và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, được xây dựng dựa trên 6 quan điểm nhất quán. Trong đó, phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng…
Với chủ đề “Xu hướng công nghệ – vật liệu trong công trình xây dựng”, hội thảo tập trung đi sâu phân tích những thực trạng của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay và giới thiệu những xu hướng công nghệ vật liệu xây dựng mới, ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng xoay quanh câu chuyện sản xuất kinh doanh, trong đó có những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Qua tìm hiểu, trong những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Giá trị vật liệu xây dựng chiếm 60 – 70% trong cơ cấu giá thành xây dựng, vì vậy có vai trò quyết định chất lượng và giá trị công trình.
Vì vậy, ThS. Phạm Văn Bắc nhận định, sản xuất vật liệu xây dựng đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Hiện nay, phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải các-bon thấp.
Kinh tế – xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hóa học đã giúp cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp phải nhiều thách thức đó là: Tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất./.