Xôn xao chợ Tết quê nhà
(Xây dựng) – Xuân đã đến thật gần! Xuân rộn ràng trên đường thôn ngõ xóm. Xuân nuột nà trên nhành cỏ ngọn cây. Xuân mơn man trên má người thiếu nữ ửng tươi nụ đào. Và Xuân mang Tết đến, náo nức trong từng “tế bào” của trời đất, lâng lâng như men rượu ngô ủ kĩ phả ra cái thứ hương nồng nàn khắp chốn chợ quê.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Sớm Xuân, khi nền trời biếc lên những làn sáng thanh tân tinh khiết, những con ngõ bỗng như cựa mình rũ bỏ lớp áo xám xịt u buồn của ngày Đông tháng giá để khoác lên mình lớp áo hồng hây hẩy nắng Xuân, ấy là lúc người quê náo nức xốn xang những gánh những gồng, những xe thồ xe kéo ắp đầy hàng Tết đổ về những khu chợ quê nườm nượp.
Nhất là vào khoảng hăm bảy hăm tám Tết, từ cổng vào là chật kín những chậu đào chậu quất, những xe hoa đủ loại đua nhau khoe sắc, như cố gắng khoe hết vẻ đẹp rực rỡ nhất của mình để nghênh đón chúa Xuân, và thu hút ánh nhìn của người chơi cây, chơi hoa dịp Tết.
Màu vàng tươi của những trái quất chi chít trên cành, màu hồng phớt của những cánh đào phai mộc mạc, màu đỏ thắm sang trọng của những bông đào bích, và sắc xanh đỏ tím vàng trắng của cơ man là những bông hoa đủ loài: cúc, hồng, dơn, huệ, cẩm chướng, phăng-xê, li li, tuy-líp…, tất cả như bỏ bùa ánh mắt của bất kì ai bước vào chợ.
Trước thế giới của những loài cây và hoa Tết, người đi chợ không khỏi cảm thấy xốn xang trong lòng. Hoa như những sứ giả của mùa Xuân, truyền cho ta sức sống mạnh mẽ và nhiệm màu. Bên chợ hoa ngày cận Tết, hít hà hương thơm mê đắm ấy, trẻ em dường như thấy mình phổng phao thêm một chút; nam thanh nữ tú như thấy trong mình đang dâng lên niềm hạnh phúc chứa chan, tựa một mối tình thơ mộng vừa nảy nở trong lòng; những bà những mẹ bỗng thấy đời như trẻ lại, nhớ những ngày Xuân xưa cùng trai gái làng mớ ba mớ bảy, áo the khăn xếp đi trảy hội mùa Xuân.
Bước chân vào đến giữa chợ, mà chẳng thể gọi là bước, vì cái không gian ấy đâu có cho đôi chân ta được thong dong. San sát là người, chen chúc là hàng. Ta như thả mình chảy trôi theo dòng người nhích từng chút, từng chút, vai chen vai, đầu sát đầu tịnh tiến dần vào chợ.
Chợ Tết ở quê là thế. Ngày thường hàng hóa đã nhiều, vì quê rất ít chợ cóc, cả một xã hoặc vài xã mới có một cái chợ lớn, hàng hóa đổ hết về đây. Những ngày giáp Tết lại càng phong phú. Bên này là rau, thịt, cá tôm; bên kia là hoa củ quả; phía trước là chiếu màn, vải vóc; phía sau là chó con, mèo con, lợn xuất chuồng kêu eng éc, ngan gà vịt quàng quạc rộn vang cả góc chợ… Nhớ năm ấy đi chợ Tết, dù đông nghẹt người, dù còn phải sắm bao nhiêu là thứ nhưng tôi vẫn không thể rời mắt khỏi mấy chú cún con lông mượt như nhung, đôi mắt trong veo, cái lưỡi hồng hồng, cái đầu bé xíu ngảnh nghiêng, cái đuôi ngắn ngủn ve vẩy thật hồn nhiên không có vẻ gì là sợ hãi mỗi khi có người ngồi xuống vuốt ve hỏi mua. Bên cạnh cái lồng nhốt chúng là người chủ tươi cười nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn người chủ tương lai của chúng. Trong tiết Xuân ấm áp đẹp tươi, người với người, người với vật như có một mối giao hòa, mối lương duyên nồng đậm gắn kết tự nhiên sao đáng yêu đến thế!
Đúng là chợ Tết! Khu trung tâm chợ mấy hôm nay khác hẳn ngày thường. Hoa tươi đã nhiều, hoa lụa cũng chẳng chịu thua kém. Cái thế mạnh của hoa giả là màu sắc sặc sỡ, đủ các chủng loại. Ngày Tết mà không có những gam màu bắt mắt đó của hoa lụa thì thiếu đi một cái gì rất đặc sắc. Cứ nhìn chúng, tôi lại tưởng đến sự ấm cúng của nhang khói đèn nến trên ban thờ tổ tiên ngày Tết. Mặc dù ngày nay ít người dùng đến hoa giả, nhưng với tôi, nó là một điều gì đó linh thiêng in sâu vào kí ức về một cái Tết cổ truyền thảo thơm tấm lòng con cháu nhớ về cội nguồn. Trong cái nghèo cái thiếu của thời xa xưa ấy có dư sự tôn kính ngưỡng vọng với đấng bề trên.
Vào đến khu cuối chợ, cái vị Tết càng khiến người ta lâng lâng bởi hương của lá dong, của lạt giang, gạo nếp nồng nàn như thấm từng làn da thớ thịt, như ngấm vào hồn người xa quê cả năm bận rộn mới được trở về hòa mình vào dòng người quê chất phác thật thà. Lá dong xanh gói ghém những hạt nếp trắng ngần, lạt giang mềm buộc chặt như tình quê ủ ấp những tình quê. Những chiếc bánh chưng vuông trọn nghĩa tình trên ban thờ tổ tiên, trong mâm cơm quây quần sum họp mỗi dịp Tết đến Xuân về cũng từ chợ quê ấy mà nên.
Cứ như vậy, tự bao đời nay, dẫu con người ta có đi đâu, làm gì, đã từng biết bao lần đi chợ mua đông sắm tây, nhưng trong một góc sâu thẳm nhất của tâm hồn vẫn không thể thiếu vắng những hình ảnh thiêng liêng của chợ quê ngày Tết. Và tin rằng, dù trẻ hay già, dù nhàn rỗi hay bận bịu, nếu được sinh ra ở chốn quê mùa, nơi có những chợ quê nhộn nhịp mà thanh bình ấy, thì mỗi độ Xuân về, mỗi khi Tết gọi, người ta lại muốn chạy thật nhanh về để hòa vào cái xôn xao của chợ Tết quê nhà.
Nguồn: Báo xây dựng