Xóa các “điểm nghẽn” trong xử lý rác thải nông thôn-bài 1: Nhiều điểm tồn lưu rác kéo dài

Xóa các “điểm nghẽn” trong xử lý rác thải nông thôn-bài 1: Nhiều điểm tồn lưu rác kéo dài

MTĐT –  Thứ hai, 27/12/2021 10:54 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân ra quân thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường, đến nay hoạt động này đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ rác được thu gom, xử lý nâng lên.

Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang, tình trạng rác tập kết ngay ven đường, lấn kênh mương gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Tập trung thu gom, giải tỏa điểm tồn lưu rác

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17, đến nay các địa phương bố trí thêm gần 800 điểm tập kết xử lý rác thải, 11 bãi rác tập trung, gần 2,7 nghìn bể chứa thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn đồi, cánh đồng. Toàn tỉnh giải tỏa hơn 400 điểm tồn lưu rác kéo dài với hơn 8,6 nghìn m3 rác. Nhiều tuyến đường hoa được hình thành, hạn chế tình trạng rác lấn lề đường tại các xã, thị trấn như: Tân Dĩnh, Vôi (Lạng Giang), Đoan Bái (Hiệp Hòa), Bảo Đài (Lục Nam), Hợp Đức (Tân Yên)… Theo đó, tỷ lệ rác được thu gom, vận chuyển toàn tỉnh đạt 88,8%, xử lý đạt 91,3%, tăng 4% so với thời điểm BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 17.

xóa, điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, tồn lưu, rác, kéo dài, môi trường, thu gom, bắc giang
Nhờ trồng hoa, thường xuyên vệ sinh môi trường nên nhiều tuyến đường tại xã Hợp Đức (Tân Yên) luôn sạch đẹp.

Ghi nhận tại huyện Yên Dũng, trước đây, dọc các tuyến đường giao thông nông thôn thường thấy những bao tải, túi rác thải lớn vứt tràn lan gây mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường. Sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị, địa phương này trở thành điểm sáng trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đáng chú ý, Yên Dũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư lắp đặt lò đốt rác công suất xử lý đạt 60 tấn/ngày, bảo đảm xử lý rác cho 13 xã, thị trấn trong huyện.

Không chỉ huy động nguồn vốn xã hội hóa, huyện còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại Á Đại Lợi (TP Bắc Giang) thu gom rác cho các xã, thị trấn đưa về khu vực lò đốt. Nhờ đó, tỷ lệ xử lý rác trên địa bàn đạt 96%, tăng 12% so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 17. Ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty hiện có 13 xe ô tô với hơn 40 công nhân. Mỗi ngày, đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển 50 tấn rác từ các xã, thị trấn đưa về lò đốt của huyện, chấm dứt tình trạng rác tồn lưu ở các xã này. Thời điểm dịch bùng phát, chúng tôi trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch cho người lao động và tăng số lần thu gom trong tuần so với ngày thường”.

Ở nhiều địa phương khác, nhờ năng động trong triển khai và có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nên việc thu gom, xử lý rác đạt kết quả tích cực. Tại huyện Yên Thế, ngoài kiện toàn tổ tự quản bảo vệ môi trường, các xã, thị trấn thành lập tổ chuyên trách vận chuyển rác tại các thôn, tổ dân phố cách xa trung tâm về điểm tập kết. Điểm “nóng” tồn lưu rác đã được giải tỏa, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn cắm biển cấm đổ rác; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để vi phạm tái diễn.

xóa, điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, tồn lưu, rác, kéo dài, môi trường, thu gom, bắc giang
Nhờ đổi mới cách làm nên rác tại xã Thượng Lan (Việt Yên) được xử lý trong ngày.

Ở xã Thượng Lan (Việt Yên), thay vì ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác với các tổ thu gom ở từng thôn, UBND xã ký hợp đồng, gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể. Theo đó, mỗi thôn có một người chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển sau đó huy động người dân trong thôn cùng tham gia. Để tránh rác tồn đọng tại khu xử lý, xã phân lịch thu gom cụ thể cho từng thôn (mỗi thôn 2-3 buổi/tuần tùy vào lượng rác phát sinh), bảo đảm rác thải được xử lý ngay trong ngày.

Tại huyện Lạng Giang, UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng, giao cho các hợp tác xã tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác; UBND huyện thành lập, duy trì tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện vệ sinh môi trường. Huyện vừa bố trí hơn 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ các xã lắp đặt thêm 6 lò đốt, góp phần tăng lượng rác thải được xử lý ngay trong ngày.

Đặc biệt, huyện tập trung cao thu giá dịch vụ xử lý rác thải. Cùng với tuyên truyền, huy động người dân vào cuộc, các địa phương phân loại trường hợp phải nộp tiền dịch vụ, công khai mức giá dịch vụ áp dụng tại trụ sở UBND xã, thị trấn để nhân dân giám sát, tăng hiệu quả quản lý; tổ chức thu đồng loạt tại các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình. Đầu tư trang bị phương tiện chuyên dụng, kiện toàn và duy trì hoạt động của đơn vị làm dịch vụ, nâng cao chất lượng, tăng sự hài lòng của người dân.

Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của người dân; hộ gia đình không nộp tiền dịch vụ, xả rác không đúng quy định bị nhắc nhở, xử lý và coi đây là tiêu chí bình xét gia đình văn hoá. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện nói: “Với cách làm trên, năm nay, Lạng Giang thu được 9 tỷ đồng tiền dịch vụ xử lý rác thải của khoảng 85,2% trong tổng số hộ dân, tăng hơn 1 tỷ đồng so với năm ngoái”.

Thiếu bền vững

Mặc dù hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển tích cực song thực tế chưa duy trì được thường xuyên. Nhiều nơi giải tỏa được một thời gian ngắn, các điểm tồn lưu, rác lại “mọc” lên như nấm sau mưa. Dọc tỉnh lộ 295B, đoạn qua huyện Việt Yên có hàng chục điểm tập kết rác tự phát với khối lượng lớn, thậm chí nhiều điểm tồn lưu ngay dưới biển “cấm đổ rác”. Tại thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa), dù đã được tập kết tại khu xử lý song do không có tường bao, quy mô nhỏ nên rác tràn ra bên ngoài, nước màu đen đục rỉ xuống cánh đồng ngay cạnh khiến sản xuất của người dân gặp khó khăn. “Khu vực trồng rau muống của gia đình tôi ngay sát bãi rác nên nước từ đó lan vào ruộng gây ô nhiễm nặng. Mỗi khi đi hái rau, chân tay bị mẩn ngứa”, một người dân ở thôn Đông Lâm chia sẻ.

xóa, điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, tồn lưu, rác, kéo dài, môi trường, thu gom, bắc giang
Rác được tập kết ngay dưới biển “cấm đổ rác” tại tỉnh lộ 295B, đoạn qua xã Hồng Thái (Việt Yên).

Tương tự, tại Khu đô thị (KĐT) An Huy, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) hơn 2 năm qua, rác luôn tồn lưu thành đống lớn. Cực chẳng đã, một số hộ dân trong KĐT đã góp tiền lắp đặt ba-ri-e, cử người giám sát, ngăn chặn việc tập kết rác tại đây. Đến ngày 21/12 năm nay, lượng rác tại khu vực này tuy đã được giải tỏa song vẫn còn khoảng 100 m3.

Rác không chỉ tồn lưu ven đường, trong khu dân cư, KĐT mà còn phát sinh trên nhiều tuyến kênh mương. Dọc tuyến kênh tưới chảy qua địa bàn xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) dài gần chục mét dày đặc những bịch ni-lông chứa rác. Trên kênh N5, đoạn gần chợ Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) thường xuyên có nhiều bao tải rác, túi ni-lông, xác động vật ùn đọng hàng chục m3 trước cửa cống qua đường tỉnh 295. Trên tuyến kênh Yên Lại chảy qua xã Tam Dị, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) rác ùn đọng kín mặt kênh với đủ loại, gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều đoạn, nhất là ở khu vực có cống, rác tồn lưu làm cản trở hoạt động dẫn nước phục vụ sản xuất và gia tăng nguy cơ sạt lở, phá hỏng kết cấu kênh. Rác lắng đọng lâu trên kênh nên nước chuyển màu.

Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị, các địa phương bố trí thêm gần 800 điểm tập kết xử lý rác thải, 11 bãi rác tập trung, gần 2,7 nghìn bể chứa thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn đồi, cánh đồng; toàn tỉnh giải tỏa hơn 400 điểm tồn lưu rác kéo dài, gây mất mỹ quan, ô nhiễm với hơn 8,6 nghìn m3 rác. Nhờ đó tỷ lệ rác được thu gom, vận chuyển đạt 88,8%, xử lý đạt 91,3%, tăng 4% so với thời điểm ban hành Chỉ thị, tỷ lệ xử lý hợp vệ sinh 62,2%.

Điều đáng nói là tại các bãi rác, khu vực xử lý tập trung ở các huyện: Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang… rác vẫn chất thành đống lớn, tồn lưu từ nhiều năm nay với khối lượng hàng chục nghìn m3, tạo thành điểm ô nhiễm thứ phát. Tại khu tập kết, xử lý rác ở thôn Phúc Linh (xã Hương Lâm), do quy mô nhỏ, lò đốt công suất xử lý “khiêm tốn” 1 tạ/ngày, trong khi lượng rác phát sinh hằng ngày của thôn gấp 5 lần nên xử lý không xuể, rác tràn ra ngoài.

Tương tự, tại điểm tập kết rác tại các thôn: Đầm, Chể và Kim 1, cùng xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) rác chất thành đống bốc lên nồng nặc. Còn tại khu tập kết, xử lý rác thải tập trung của huyện Tân Yên, tổ dân phố Thiếm (thị trấn Cao Thượng) dù đã đóng cửa do quá tải song nhiều người vẫn tập kết rác về đây khiến rác tràn cả ra đường. Khu vực lò đốt của xã Quang Thịnh, thị trấn Vôi (cùng huyện Lạng Giang)… cũng ở tình trạng “quá tải”, ùn đọng lượng rác lớn. Chị Nguyễn Thị H, sống gần lò đốt rác của xã Quang Thịnh cho biết, mùi hôi nồng nặc từ bãi rác làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Hầu như ngày nào gia đình cũng phải mắc màn ăn cơm do ruồi muỗi từ bãi rác tồn lưu bay vào.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích