Xét xử vụ án liên quan đến Công ty AIC: Nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt

Khoảng 6h50, hàng chục ô tô đưa các bị cáo đến Tòa án. An ninh xung quanh phiên tòa được thắt chặt. Cơ quan chức năng thiết lập cửa từ, máy soi để kiểm tra an ninh đối với những người tham gia tố tụng. Sau khi rời xe, những người tham gia tố tụng đi qua cửa soi chiếu an ninh để lên phòng xử án đặt tại tầng 3 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Xét xử vụ án liên quan đến Công ty AIC: Nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt
Các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa.

Vụ án này, 36 bị cáo bị đưa ra xét xử về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đưa ra xét xử về hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

2 bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Có 33 luật sư đăng ký bào chữa cho 36 bị cáo. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 1 luật sư, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành có 2 luật sư, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái có 1 luật sư.

Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 12 đối tượng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai… Ngoài ra, 69 người được triệu tập trong vai trò người tham gia tố tụng như Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai; Hội đồng định giá; ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai…

Xét xử vụ án liên quan đến Công ty AIC: Nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Nguyên đơn trong vụ án được xác định là UBND tỉnh Đồng Nai. Báo cáo của thư ký phiên tòa cho biết, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có mặt tại phiên tòa. Được biết, đây là luật sư được Tòa án chỉ định. Ngoài ra, một số luật sư xin vắng mặt phiên khai mạc.

Người đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai có mặt. Đại diện của Công ty AIC, Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới vắng mặt… Ngoài ra, một số người làm chứng có đơn xin xét xử vắng mặt.

Cũng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội, trình bày ông Thuyết đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 4/2021, tức là trước khi xác minh vụ án. Theo luật sư, bị cáo này xuất cảnh để giám hộ cho con chưa thành niên học tại Mỹ. Từ Mỹ, bị cáo đã có đơn trình bày và xin chấp nhận phán quyết công tâm, khách quan của Tòa án.

Hội đồng xét xử đã chấp nhận ý kiến của luật sư về trường hợp của bị cáo Thuyết. Hội đồng xét xử cũng kêu gọi các bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Còn với những người làm chứng và nghĩa vụ có liên quan vắng mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục triệu tập khi cần.

Xét xử vụ án liên quan đến Công ty AIC: Nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt
Bị cáo Trần Đình Thành. (Ảnh chụp màn hình)

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc (từ 2005 – 9/2020).

Trong quá trình điều hành công ty, Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng” của Công ty Cổ phần Tri thức và Công nghệ cao Quốc tế (viết tắt là Công ty TCI – Công ty con của AIC), trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn quen biết với Trần Đình Thành (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai). Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư Xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành mời lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia dự án của tỉnh.

Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng Ban quản lý Dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.

Trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định bổ sung đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào Dự án (tháng 7/2010), Hoàng Thị Thúy Nga đến gặp và mời Trần Đình Thành ăn cơm trưa. Thành điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ đến ăn cơm cùng tại một nhà hàng.

Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bị cáo Nhàn chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty “quân xanh” để đảm bảo cho AIC được trúng thầu. Với cách thức nêu trên của bị cáo Nhàn, Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, cựu Chủ tịch AIC đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỷ đồng, ông Thái 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.

Lê Thắm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích