Xét xử vụ án hành chính: Khởi kiện “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính” của Công an quận Đống Đa
Sáng nay 22/12 phóng viên có mặt tại Toà án nhân dân quận Đống Đa, để đưa tin phiên xét xử công khai vụ án hành chính về việc “khiếu kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021 của Công an quận Đống Đa”. Tuy nhiên, phóng viên đã được cán bộ văn phòng tên Chi cho biết hiện tại đang có 02 công an canh gác tại phiên xử, các anh/chị phóng viên cứ về, toà án sẽ gửi thông tin đến báo chí sau.
Tại đây có rất nhiều phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí khác cũng quan tâm đến phiên tòa nhưng cũng không thể vào.
Để làm rõ hơn về phiên xét xử, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Phạm Quốc Bình (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) – người bảo vệ quyền và lợi ích của người khởi kiện (là bà Trần Thị C, trụ trì một ngôi chùa ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) sau khi phiên tòa tạm nghỉ, chờ nghị án vào ngày mai – 8h30 ngày 23/12/2021.
Theo luật sư Phạm Quốc Bình, tại phiên tòa, người bị kiện (Công an quận Đống Đa) vắng mặt, bà Nguyễn Thị T (pháp danh Thích Đàm Thành, trụ trì một ngôi chùa ở quận Tây Hồ, Hà Nội) có mặt, Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn, điều tra viên vụ việc có mặt với tư cách người làm chứng.
Diễn biến vụ việc như sau:
Ngày 12/3/2021, bà Trần Thị C nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC, ngày 16/1/2021 do ông Nguyễn Đức Long – Phó trưởng Công an Quận Đống Đa ký với hành vi “xâm hại đến sức khỏe của người khác”. Mức xử phạt 2.500.000 đồng. Người bị xâm hại là bà Nguyễn Thị T.
Trong hồ sơ vụ án nêu rõ: thời điểm xảy ra sự việc là ngày 27/11/2020, tại Chùa Bộc (số 4 đường Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) trong ngày tổ chức lễ tuần lâm ngũ thất cố Ni trưởng Thích Đàm Hán.
Luật sư Phạm Quốc Bình cho biết, tại phiên tòa, tôi đã hỏi bà Trần Thị C và bà Nguyễn Thị T về hành vi xảy ra. Cả hai bên, ai cũng đưa ra ý kiến của mình nhưng không ai có bằng chứng, hay đối chứng bằng hình ảnh để chứng minh về vụ việc đã xảy ra. Và cũng tại thời gian trên, (27/11/2020) không hề có một biên bản sự việc nào được lập. Các nhân chứng của vụ việc, thì mỗi người đều cung cấp các thông tin khác nhau về sự việc đã xảy ra.
Điều lạ là, bản thân bà Nguyễn Thị T trả lời trước toà và lời khai trong 02 biên bản trước đó gửi Công an quận Đống Đa đều thể hiện sự bất nhất về diễn biến sự việc. Tại phiên xét xử, Hội đồng xét xử cũng không làm rõ được hành vi của hai bà T và C, là va vào nhau hay theo như lời khai của bà T về việc bà Trần Thị C: đấm, tát vào má phải bà Nguyễn Thị T? Ngay cả tư thế, vị trí đánh, tát của bà Trần Thị C với bà Nguyễn Thị T là từ phía trước hay phía sau đều chưa được làm rõ? Không những vậy, trong hồ sơ vụ án không hề có bản giám định về thương tích và tỷ lệ thương tích của cơ quan có thẩm quyền giám định.
Với hồ sơ vụ án, cụ thể là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC ngày 16/1/2021, có nhiều dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ – luật sư Phạm Quốc Bình. “Tại tòa, tôi đã hỏi Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn rằng, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa gửi tòa và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC mà Công an quận Đống Đa tống đạt cho bà Trần Thị C thì quyết định nào là đúng, quyết định nào sai?
Cầm các Quyết định, nhưng Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn lại trả lời: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa giao nộp cho tòa là đúng. Tôi đã yêu cầu hội đồng xét xử ghi lời khai của Trung tá Sơn. Sau đó, tôi chỉ rõ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC của Công an quận Đống Đa gửi bà Trần Thị C để đi nộp phạt không có nội dung: “biên bản vi phạm hành chính số 179 ngày 15/1/2021” và “Quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính số 209 ngày 16/1/2021 của Trưởng Công an quận cho Phó Trưởng công an quận Đống Đa”. Trong khi đó, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPHC mà Công an quận Đống Đa gửi tòa án lại có các nội dung này. Vậy thì, bà Trần Thị C khởi kiện Quyết định sai là có cơ sở!!! – Luật sự Phạm Quốc Bình thông tin.
Để giúp phóng viên hiểu rõ hơn diễn biến tại toà, luật sư Phạm Quốc Bình cho biết thêm: “tôi đã nêu rõ dấu hiệu làm giả trong “biên bản vi phạm hành chính số 179/BB-VPHC ngày 15/01/2021, của Công an quận Đống Đa (gọi tắt là Biên bản) do Vũ Thị Hương, chức vụ Thượng uý – cán bộ Công an quận Đống Đa lập biên bản. Cụ thể, tại Biên bản đó, ở phần ý kiến của người vi phạm, hoặc đại diện tổ chức vi phạm nêu rõ: “không đồng ý với nội dung vi phạm, không ký biên bản vi phạm hành chính”. Nhưng chính tại ngày 15/01/2021, cả bà Trần Thị C và Nguyễn Thị T đều đang họp với Ban Pháp chế của Giáo hội phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội ở chùa Mộ Lao (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Vậy thì làm sao, bà Trần Thị C có thể đến Công an quận Đống Đa để làm việc với cán bộ điều tra mà từ chối hay không đồng ý với nội dung Biên bản?
Trong phiên xét xử hôm nay, chính bà Nguyễn Thị T cũng xác nhận tại ngày 15/01/2021 bà T và bà Trần Thị C đều có mặt tại chùa Mộ Lao. Không những vậy, Bà Trần Thị C còn cung cấp cho tòa chứng cứ là giấy triệu tập của Ban Pháp chế ngày 15/01/2021. Cũng tại phiên toà hôm nay, Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn thừa nhận không có giấy mời của Công an quận Đống Đa gửi đến bà Trần Thị C mời làm việc tại ngày 15/01/2021, nhưng có gọi điện thoại mời. Trước lời khai của Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn, bà Trần Thị C phủ nhận không có cuộc gọi của phía công an quận Đống Đa vào ngày hôm đó. Về phía luật sư Phạm Quốc Bình cho rằng, theo quy định của pháp luật, không có quy định nào về việc cơ quan công quyền được gọi điện thoại cho đương sự thay cho giấy mời hay giấy triệu tập đương sự…
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin sau khi toà tuyên án vào sáng ngày mai (8h30 ngày 23/12/2021).
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu