Xét xử vụ án cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng

Ngày 24/10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm 32 người chết.

Các bị cáo gồm: Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú); Nguyễn Thành Luân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình An và 4 cựu cán bộ công an là Phạm Quốc Hùng, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Văn Võ và Phạm Thị Hồng.

Trong số 6 bị cáo nói trên có 5 bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, riêng bị cáo Nguyễn Văn Võ bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên tòa cũng triệu tập đại diện của 32 bị hại, 4 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng hàng chục nhân chứng.

Xét xử vụ án cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng
Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại quán karaoke An Phú (phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm 32 người chết.

Theo cáo trạng, bị cáo Lê Anh Xuân là người đứng đầu quán karaoke An Phú, tuy nhiên trong quá trình xây dựng và hoạt động đã không thường xuyên kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ngoài ra, cơ sở này còn thiếu lực lượng PCCC nên không phát hiện hệ thống chữa cháy tự động không hoạt động được. Khi xảy ra cháy, nhân viên của cơ sở này cũng không có kỹ năng xử lý dẫn đến đám cháy lan nhanh, không dập được, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Cáo trạng cũng cho rằng bị cáo Lê Anh Xuân đã có những vi phạm như: Thay đổi về thiết kế và thiết bị PCCC của quán karaoke An Phú so với hồ sơ thiết kế được duyệt trong quá trình thi công, nghiệm thu về PCCC. Ngoài ra, chủ quán này đã cho cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thiết bị PCCC trong quá trình hoạt động nhưng không báo cáo, không lập hồ sơ thiết kế bổ sung trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt lại theo quy định của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ như: Không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống PCCC của cơ sở theo quy định; không xây dựng phương án PCCC, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ, tổ chức thực tập, diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ cho cơ sở theo quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Xét xử vụ án cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng
Các bị cáo tại phiên toà.

Là người đầu tiên được hội đồng xét xử xét hỏi, bị cáo Lê Anh Xuân cho biết, lúc xảy ra vụ việc, bị cáo đang ở nhà tại Thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Khi biết quán karaoke bị cháy, bị cáo liền tới hiện trường để cùng lực lượng cứu hộ khống chế đám cháy.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) về thiết kế PCCC, thi công công trình quán karaoke An Phú cũng như việc bắt đầu kinh doanh tiếp nhận khách, bị cáo Xuân cho hay, việc này cha bị cáo (hiện đã chết) làm hết. Bị cáo chỉ tiếp nhận quản lý quán từ năm 2019, khi cha bị bệnh, sức khỏe yếu. Tuy nhiên, khi được HĐXX hỏi về trách nhiệm của mình về hậu quả của vụ cháy thì bị cáo này thừa nhận mình có sai sót, không kiểm tra lại các vấn đề còn thiếu sót khi hoạt động.

Khi được đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Xuân về việc có thử vận hành hệ thống PCCC không, bị cáo Xuân cho biết chưa bao giờ thử vận hành. Tiếp đó, bị cáo khai trước khi vụ cháy xảy ra, bị cáo rất tự tin về hệ thống PCCC vì được đầu tư những thiết bị tốt nhất.

Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Phạm Thị Hồng – cựu cán bộ công tác tại Đội tổng hợp Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương nói bị cáo không nhận thi công hệ thống PCCC của karaoke An Phú.

Trong khi đó trả lời HĐXX, ông Linh – người trực tiếp thi công hệ thống PCCC của quán karaoke An Phú cho biết được bị cáo Hồng thuê với giá 100 – 120 triệu đồng. Do thời gian lâu nên ông Linh khai không nhớ số tiền chính xác.

Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ Trường Sơn (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an Bình Dương) khai rằng, năm 2017, khi được phân công nhiệm vụ và tiếp nhận hồ sơ thiết kế về quán karaoke An Phú do bộ phận tiếp dân đưa qua, bị cáo Sơn nhận thấy hồ sơ có một số vấn đề chưa đảm bảo quy chuẩn và đã tham mưu lãnh đạo yêu cầu chủ cơ sở bổ sung.

Bị cáo Sơn khai, sau khi nhận lại hồ sơ, thấy hồ sơ đủ các điều kiện theo quy chuẩn về PCCC nên bị cáo trình lên cấp trên duyệt. Cũng theo bị cáo Sơn, bị cáo chỉ thẩm duyệt hồ sơ trên giấy tờ và đã làm đúng theo trách nhiệm của mình, còn về thực tế thực thi thế nào thì bị cáo không phụ trách. “Tuy nhiên, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên nhận thấy mình có một phần trách nhiệm”, bị cáo Sơn nói.

Ngày mai (25/10) phiên toà tiếp tục diễn ra.

Xét xử vụ án cháy quán karaoke tại Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú.
Như Báo Lao động Thủ đô đã thông tin vào khoảng 20 giờ 30 ngày 6/9/2022, tại quán karaoke An Phú có 5/29 phòng hát đang hoạt động và khoảng 60 người ở bên trong (khoảng 30 khách, tiếp viên và 30 nhân viên). Lúc này, một tiếp viên của quán phát hiện khói bốc lên từ tầng 2 nên báo ngay cho nhân viên. Khoảng 1 phút sau, ngọn lửa bùng lên dữ dội, một số khách và nhân viên chạy lên sân thượng, số còn lại chờ cứu nạn. Nhận tin báo cháy, lực lượng chức năng đã điều động xe chữa cháy cùng các cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Hậu quả do vụ cháy gây ra rất nghiêm trọng, làm 32 người tử vong, 3 người bị thương nặng.
Thành Đồng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích