Xét xử vụ Alibaba: Đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân
Nguyễn Thái Luyện lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện của các công ty, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN) |
Ngày 19/12, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luận tội và đề nghị mức án đối với 23 bị cáo trong vụ án.
Theo Viện Kiểm sát, căn cứ vào hồ sơ chứng cứ có trong vụ án, kết quả xét hỏi công khai tại tòa, khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định quá trình điều tra, xét xử cho thấy các bị cáo biết và buộc phải biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội tới cùng.
Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp.
Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập ra 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy đồng tiền từ khách hàng.
Tính đến ngày khởi tố vụ án là ngày 13/9/2019 (hơn 3 năm kể từ ngày thành lập), Công ty Alibaba triển khai bán hàng trên 58 dự án nhưng chưa có dự án nào tiến hành xin cấp phép, dù chỉ là thủ tục cấp phép; chưa một pháp nhân nào thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Điều này minh chứng các bị cáo không có ý định xin cấp phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, diễn biến vụ án cho thấy thủ đoạn của Luyện rất tinh vi, tận dụng triệt để sự nhiệt huyết tuổi trẻ của một số bị cáo trong vụ án, thiếu chín chắn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm để phục vụ cho mục đích của bị cáo.
Đối tượng khách hàng mà bị cáo nhắm đến để chiếm đoạt tiền đa số có điều kiện trung bình hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít hiểu biết về pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 19 bị cáo với mức án từ thấp nhất là 12-13 năm tù, cao nhất là 20 năm tù.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” 12-14 năm tù về tội “Rửa tiền,” tổng hợp hình phạt phải chịu là 30 năm tù; Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 20 năm tù vì lừa đảo, 10-12 năm tù vì rửa tiền, tổng hợp là 30 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị tuyên phạt 5-6 năm tù về tội “Rửa tiền.”
Buộc vợ chồng Nguyễn Thái Luyện phải bồi thường cho khách hàng
Về hành vi rửa tiền của bị cáo Võ Thị Thanh Mai, đại diện Viện Kiểm sát nhận định bị cáo Mai giữ chức vụ Giám đốc tài chính Công ty Aibaba. Nhiệm vụ của bị cáo tại Công ty Alibaba là người quản lý tài chính; quản lý hoạt động của bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba.
Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều do bị cáo Mai duyệt chi.
Bị cáo xác định nguồn tiền thu của Công ty Alibaba là tiền thu của các khách hàng mua đất, Công ty không có nguồn thu nào khác. Ngoài ra, bị cáo là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm, chủ đầu tư 28 dự án không có thật.
Bị cáo Mai đã chỉ đạo Nguyễn Thái Lực rút 13 tỷ đồng tiền mặt từ ngân hàng để giao cho mình khi Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án. Điều này nhằm che dấu nguồn gốc tiền, bản chất thực sự, quyền sở hữu đối với tiền mà bị cáo biết rõ đây là số tiền do phạm tội mà có.
Từ giúp sức nêu trên của bị cáo Lực, bị cáo Mai đã tẩu tán 13 tỷ đồng của các khách hàng nộp mua đất và đến nay Cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được.
Các bị cáo nghe Viện Kiểm sát luận tội. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN) |
Khai tại tòa, bị cáo Mai cho rằng không thể công khai danh tính người bị cáo giao số tiền 13 tỷ đồng vì đây là khoản tiền bị cáo trả nợ người vay trước đó, nếu bị cáo khai báo có thể ảnh hưởng đến tính mạng con và gia đình bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng lời khai này của bị cáo là không có cơ sở chấp nhận. Nguồn gốc số tiền này được hình thành từ các sổ tiết kiệm, từ tiền từ khách hàng mua đất nền tại Công ty Alibaba. Do đó, lời khai của bị cáo Mai chỉ thể hiện mục đích thu lợi đến cùng số tiền bất chính 13 tỷ đồng của khách hàng đã nộp.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Võ Thị Thanh Mai nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính 13 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát khẳng định với việc rao bán cái mình không có, lừa dối người mua bằng thủ đoạn lập hệ thống tổ chức các công ty để che dấu hành vi gian dối, Nguyễn Thái Luyện đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2.462 tỷ đồng của 4.550 khách hàng.
Viện Kiểm sát đề nghị Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường số tiền trên cho các khách hàng.
Về xử lý vật chứng, Viện Kiểm sát đề nghị duy trì tạm giữ hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt phát hiện trong quá trình khám xét và hơn 45 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba, tiếp tục kê biên với 652 thửa đất nông nghiệp… Tất cả những tài sản này đề đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
Phiên tòa bước sang phần tranh tụng.
Dự kiến, tòa tuyên án vào ngày 6/1/2023./.
Nguồn: Báo xây dựng