Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Động cơ vụ lợi lấn át pháp luật
Hơn 2/3 số 28 bị cáo trong vụ sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương ra Tòa với mái tóc trắng bạc, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn tuổi tác và sự lo lắng thất thần.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN) |
Sau hơn nửa tháng xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt các mức án đối với 28 bị cáo trong vụ sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương về hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”.
Phiên tòa đã tạm khép lại, song những lời kết án và hệ lụy của vụ án vẫn còn day dứt những người trong cuộc và những người liên quan. Có mặt tại phiên tòa, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương đã đánh giá hầu hết các bị cáo trong vụ án này đã cống hiến, đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Để xảy ra vụ án này là nỗi đau xót cho các bị cáo, cho gia đình các bị cáo và là bài học cảnh tỉnh cho các thế hệ cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Bình Dương.
Việc truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) cho rằng bị cáo bị truy tố oan và đề nghị Hội đồng xét xử xác định bị cáo không phải là người góp vốn vào Công ty Âu Lạc, không tham gia quản lý điều hành Công ty Âu Lạc, không có tác động nào tới những người có thẩm quyền tại Tổng Công ty Bình Dương để chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Âu Lạc với giá rẻ, không phạm tội như cáo trạng nêu…
Bị cáo Dương đã khai không phải là cổ đông góp vốn tại Công ty Âu Lạc, không tham gia quản lý, điều hành Công ty. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, nhân chứng Dương Đình Tâm có nhiều lời khai khẳng định, việc anh Tâm đứng tên là cổ đông tại Công ty Âu Lạc là đứng tên thay cho bị cáo Nguyễn Đại Dương. Bản thân bị cáo Dương đã chính tay viết Giấy xác nhận ghi năm 2017 thể hiện anh Tâm là người đứng tên thay cho bị cáo Dương. Anh Tâm đã nộp giấy này cho cơ quan điều tra.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương đã xuất trình một bản photocopy Bản cam kết ghi lập ngày 5/7/2010 có chữ ký ghi tên là Dương Đình Tâm, thể hiện anh Tâm đứng tên cổ phần tại Công ty Âu Lạc là đứng tên cho anh Nguyễn Anh Quân và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN) |
Về nội dung này, anh Tâm khai năm 2010, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp bị cáo Dương. Dương đưa cho anh ký một số giấy tờ nhưng anh không đọc, không biết nội dung các giấy tờ đó. Bản thân anh không có khả năng đánh máy những nội dung như Bản cam kết mà luật sư xuất trình. Ban đầu, bị cáo Dương có nói với anh là nhờ anh đứng tên cổ phần tại Công ty Âu Lạc thay cho Nguyễn Anh Quân. Nhưng sau đó, chính bị cáo Dương nói lại cho anh biết thực chất cổ phần đó là của Nguyễn Đại Dương nhờ anh Tâm đứng tên. Do vậy, anh Tâm đã khai báo lại với Cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương còn tự tay viết Giấy xác nhận vào năm 2017 thể hiện Dương nhờ anh đứng tên cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Bị cáo Dương còn cho vợ chồng anh vay 4,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn xác định sau khi Công ty Âu Lạc với Công ty Thuận Lợi và Công ty Kim Oanh, Thành phố Hồ Chí Minh ký các hợp đồng hứa mua, hứa bán và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Nguyễn Đại Dương đã nhận 20 tỷ đồng từ Công ty Thuận Lợi và nhận 220 tỷ đồng từ Công ty Âu Lạc. Bị cáo Nguyễn Đại Dương đã sử dụng 180 tỷ đồng để mở 8 sổ tiết kiệm. Sau đó, Dương tất toán sổ tiết kiệm, chuyển tiền lại cho Công ty Tân Phú và Công ty Âu Lạc để thanh toán tiền cho Tổng Công ty Bình Dương trong việc nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Tạo chênh lệch giá trị cổ phần
Bị cáo Nguyễn Văn Minh thực hiện hành vi làm trái trong việc không đưa giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145 ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, đồng thời đưa khu đất trên vào góp vốn tại Công ty Tân Thành nhưng không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất. Sau đó, Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo hoàn tất thủ tục để thay đổi quyền sử dụng đất từ Tổng Công ty Bình Dương sang tên Công ty Tân Thành.
Trên sổ sách của Công ty Tân Thành, giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145 ha chỉ hạch toán là 442 tỷ đồng (là giá trị do Nguyễn Văn Minh tự quyết định ngay từ khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất 145 ha vào Công ty Tân Thành trước đó) với số lượng 48 tỷ cổ phần, giá trị 1 cổ phần của Công ty Tân Thành là 16.315 đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương ) tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Hội đồng xét xử nhận định, với động cơ cá nhân, để có nguồn tiền để xử lý 251 tỷ đồng mà Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải đã tạm ứng của Tổng Công ty Bình Dương trước đó, đồng thời nhằm có tiền cho các Công ty “sân sau”… Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải và Võ Hồng Cường (đại diện Công ty Hưng Vượng) cùng Nguyễn Thục Anh (con gái Minh) và Trần Đình Như Ý (vợ bị cáo Cường) là cổ đông của Công ty Tân Thành thống nhất về việc Tổng Công ty Bình Dương mua lại 19% vốn điều lệ của Công ty Tân Thành, tương ứng 9.120.000 cổ phần.
Bằng thủ đoạn xác định lại giá trị thực tế khu đất 145 ha để tạo chênh lệch giá trị 1 cổ phần của Công ty Tân Thành so với giá trị trên sổ sách, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ thuê đơn vị tư vấn xác định lại giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145 ha. Qua đó, các bị cáo có được Chứng thư thẩm định giá xác định giá trị thực tế của khu đất 145 ha tại thời điểm tháng 11/2018 là hơn 5.403 tỷ đồng, tạo được chênh lệch giá trị 1 cổ phần của Công ty Tân Thành giữa giá trị thực tế sau khi thẩm định giá với giá trị trên sổ sách (tăng lên thành 119.678 đồng/cổ phần).
Thực hiện xong việc mua bán, chuyển nhượng 19% cổ phần của Công ty Tân Thành, Nguyễn Văn Minh và các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đã chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng của Tổng Công ty Bình Dương (do Nhà nước nắm giữ 60% vốn điều lệ).
Không thể không biết là vi phạm pháp luật
Tại phiên tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và luật sư bào chữa của bị cáo Nam cho rằng khi ký Công văn 3444 quy định giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với khu dịch vụ trong khu liên hợp của Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Nam tin vào đề xuất của cấp dưới và không nhận thức được làm như vậy là sai. Bị cáo Nam cho rằng, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết làm thế là sai.
Bị cáo Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Hội đồng xét xử khẳng định, điều này hoàn toàn không có căn cứ. Bởi lẽ, bị cáo Nam làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phụ trách lĩnh vực đất đai từ năm 2010. Trong thời gian phụ trách lĩnh vực này, chính bị cáo là người ký ban hành bảng giá đất hàng năm làm căn cứ để thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Bị cáo Nam có hiểu biết pháp luật, có trình độ, năng lực về quản lý nhà nước, trải qua nhiều vị trí công tác, được bầu, bổ nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý quan trọng. Do vậy, không thể nói rằng bị cáo không am tường, hiểu biết, chỉ tin theo đề xuất của cấp dưới mà ký văn bản trái quy định của pháp luật.
Tòa nhấn mạnh, bị cáo Nam hoàn toàn biết và buộc phải biết văn bản số 1388/UB-KTTH ngày 7/4/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương được ban hành dưới hình thức công văn về việc giao đất khu dịch vụ của Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương cho Tổng Công ty Bình Dương. Công văn nêu rõ về chủ trương chấp thuận giao 563,24 ha đất dịch vụ trong Khu liên hợp theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Thời gian làm thủ tục giao đất là sau khi Tổng Công ty Bình Dương hoàn tất Hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và xây dựng công trình tạo lực Khu liên hợp số 06/HĐ… Như vậy, đây không phải là Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, mà là công văn hành chính nêu chủ trương chấp thuận giao 563,24 ha đất dịch vụ và thời gian làm thủ tục giao đất sẽ là sau khi Tổng Công ty Bình Dương hoàn tất Hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và xây dựng công trình tạo lực số 06.
Mặt khác, trước đó, Tổng Công ty Bình Dương đang thực hiện giao dịch dân sự với Ban Quản lý phát triển Khu liên hợp là Hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư công trình tạo lực ngày 24/11/2004. Ngày 1/6/2006, Bên giao là Ban Quản lý phát triển Khu liên hợp, Bên nhận là Tổng Công ty Bình Dương thống nhất lập biên bản bàn giao mốc ranh giới của Khu dịch vụ. Như vậy, việc bàn giao mốc ranh là để thực hiện hợp đồng đền bù và đầu tư công trình tạo lực.
Đến ngày 29/7/2010, Hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng mới được hoàn tất bằng Biên bản thanh lý Hợp đồng số 06 để đến năm 2012 và tháng 1/2013 thực hiện việc giao đất bằng Quyết định hành chính theo quy định của Điều 4, khoản 1-Luật Đất đai năm 2003.
Tòa kết luận, không thể coi biên bản bàn giao mốc ranh năm 2006 là biên bản bàn giao đất trên thực địa. Càng không thể cho rằng, lúc này, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thủ tục giao đất, vì biên bản trên hoàn toàn không đáp ứng các quy định của pháp luật. Việc áp dụng đơn giá đất bình quân từ năm 2006 để thu tiền sử dụng đất khi giao đất thu tiền sử dụng đất năm 2012, 2013 là trái quy định tại Điều 56, khoản 4 và Điều 2, khoản 2, điểm a, c – Nghị định 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Những hối hận muộn mằn
Nói lời nói sau cùng tại Tòa, nhiều bị cáo và người tham dự phiên tòa đã rơi nước mắt khi nghe những lời giãi bày sau cuối của các bị cáo. Những hối hận muộn mằn, những tiếc nuối xót xa, những khát khao về ngày đoàn tụ xa vời, những dự định mong ngóng ngày được trở về làm lại cuộc đời… là sự đau đáu mà mỗi bị cáo, người nhà bị cáo và những người liên quan cảm nhận một cách thấm thía.
Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) nói, bị cáo đã dành trọn cả cuộc đời để cống hiến cho tỉnh Bình Dương, cho Tổng Công ty 3/2 (tiền thân của Tổng Công ty Bình Dương) nhưng cuối đời lại để vướng mắc vào vụ án. Bị cáo rất ân hận. Bị cáo Minh xin lỗi Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương; xin lỗi các cán bộ, nhân viên Công ty đã vì mình mà vướng vào vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng các bị cáo tại Phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
“Tôi già yếu, bệnh tật, tôi không xin gì cho bản thân, chỉ mong xem xét cho các bị cáo khác, những người được coi là đồng phạm. Về bị cáo Nguyễn Thục Anh, con gái nghe theo tôi, với vai trò thụ động, mờ nhạt, không đáng kể. Mong Tòa cho Thục Anh hưởng chính sách hình sự đặc biệt, được hưởng mức án thấp hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát” – bị cáo Minh bày tỏ.
Con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh, bị cáo Nguyễn Thục Anh đã cảm ơn mẹ bị cáo (bà Lê Thị Bích Ngọc) đã theo dõi ba cha con bị cáo trong suốt phiên tòa. Thục Anh trình bày, hai năm vừa qua là những chuỗi ngày địa ngục với bị cáo và gia đình, khi cha, chồng và bản thân bị khởi tố. Vừa phải nuôi con, vừa gánh khoản nợ khổng lồ của gia đình, nhưng bị cáo không cho mình bỏ cuộc. “Chỉ cần có cơ hội làm việc, cống hiến cho xã hội, bị cáo sẽ cố gắng đến cùng”, Thục Anh bày tỏ.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới Đảng, nhân dân tỉnh Bình Dương. Bị cáo Nam thấy phần lớn những cán bộ của tỉnh Bình Dương trong vụ án này không hành động cố ý, không có động cơ vụ lợi.
“Đây là những người có nhiều đóng góp cho Bình Dương trong bối cảnh quyết liệt đổi mới, mong muốn cho Bình Dương ngày một phát triển. Tôi mong Hội đồng xét xử xem xét cho những bị cáo lớn tuổi, những bị cáo nguyên là những cán bộ trong các sở, ngành của tỉnh, mong Hội đồng xét xử có hình phạt đủ sức răn đe, nhưng không làm nhụt chí để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình”, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bộc bạch.
Phiên tòa sơ thẩm kết thúc. 28 bị cáo đã nhận được các mức án về những tội danh đã bị truy tố. Hơn 2/3 số bị cáo này ra Tòa với mái tóc trắng bạc, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn tuổi tác và sự lo lắng thất thần. Bởi động cơ vụ lợi cá nhân, các bị cáo đã bất chấp các quy định, coi thường sự thượng tôn pháp luật… để rồi không chỉ bị lĩnh các mức hình phạt nghiêm khắc mà còn khiến công sức, hoài bão hàng chục năm đóng góp của mình cho sự phát triển của tỉnh bị “đổ xuống sông, xuống bể”. Đó cũng là nỗi đau xót cho biết bao người thân các bị cáo khi họ từng chứng kiến, từng chung sức với các bị cáo trong suốt hành trình cống hiến hàng chục năm này./.
Nguồn: Báo xây dựng