Xếp hạng Cụm di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế

Ngày 23/11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế.

Hệ thống di tích này bao gồm 4 di tích đã được xếp hạng quốc gia trước đây, gồm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan (nội thành Huế); Địa điểm Trường Quốc Học (đường Lê Lợi, TP. Huế); Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ; Đình làng Dương Nổ (xã Phú Dương, TP. Huế). Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu các di tích này, trước đó ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Tượng Nguyễn Tất Thành được xây dựng, đặt ở ngay vị trí trung tâm của Trường Quốc Học Huế vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Đình Toàn).

Phát biểu tại buổi lễ, Bí Thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, ông Lê Trường Lưu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, nghiên cứu thực hiện các thủ tục lập quy hoạch tổng thể đối với 4 di tích thuộc Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế; triển khai Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế phục vụ phát triển du lịch”… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ phát huy các giá trị của di tích, góp phần xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực; là động lực thúc đẩy Thừa Thiên – Huế phát triển bền vững, sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Di tích ngôi nhà 112 (nay là 158), đường Mai Thúc Loan, nội thành Huế (Ảnh tư liệu)

Hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên là những di tích liên quan trực tiếp đến tuổi thơ, thời niên thiếu của Bác Hồ cùng với gia đình sống ở Thừa Thiên – Huế trong khoảng thời gian 10 năm. Đối với Nhà lưu niệm Bác Hồ ở địa chỉ 112 (số mới 158), đường Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, TP. Huế) đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895 – 1901. Theo sử liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên – Huế, năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương, Nghệ An; năm 1895, ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám – Huế và được chấp nhận. Để có điều kiện chăm sóc con cái và gia đình cũng là nguồn động viên ông trong những tháng ngày đèn sách nên ông về quê, cùng vợ là bà Hoàng Thị Loan đưa 2 con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế. Nhờ người quen giới thiệu, ông thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (ngôi nhà di tích ở đường Mai Thúc Loan hiện nay) và cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ lúc nhỏ) đã cùng gia đình sống những năm tháng tuổi ấu thơ trong niềm vui hạnh phúc, lẫn nỗi đau mất mẹ khi còn thơ ấu… Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112, đường Mai Thúc Loan, TP. Huế đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 2/2/1993.

Di tích Đình làng Dương Nổ, một trong các Cụm công trình di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Với Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nổ thì đây là di tích nằm trong cụm di tích lưu niệm về Bác Hồ ở làng Dương Nổ. Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nổ). Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho mẹ, và cũng để ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ. Về đây, ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi ông Sắc mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên. Ở một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thuỷ chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc. Chính những điều này đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27/3/1990.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Trường Quốc Học – Huế (nay là trường THPT chuyên Quốc Học – Huế), lại là nơi chứng kiến những tháng năm miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của chàng trai Nguyễn Tất Thành trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Trường Quốc Học vốn được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường Pháp – Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương.

Theo sử liệu, tháng 5/1906 ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế sinh sống và học tập. Được cha đưa vào học Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành thông minh, ham học và học giỏi. Là học sinh xuất sắc của trường, kỳ thi Primaire 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của trường Quốc Học niên khóa 1908 – 1909. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước do các cụ Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can…  khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành, anh đã tham gian làm liên lạc cho các tổ chức yêu nước và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các phong trào yêu nước. Đây là những hoạt động đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước của Nguyễn Tất Thành, để từ đó anh quyết định tạm biệt mái trường Quốc Học, đi dần vào miền Nam, ra nước ngoài tìm đường cứu nước… Trường Quốc Học sau này còn là nơi học tập, trưởng thành của nhiều nhà lãnh đạo, danh nhân, nhà chính trị lỗi lạc như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Đây cũng là ngôi trường đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, quê hương Thừa Thiên – Huế. Di tích Trường Quốc Học được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 26/3/1990./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích