Xem bóng đá không bản quyền tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh mạng

Báo cáo do Liên minh Công dân Kỹ thuật số công bố vào tháng 6 năm 2023, với tiêu đề “Giving Piracy Operators Credit (Tặng tín dụng cho những kẻ vi phạm bản quyền)”, cho thấy 44% người dùng truy cập nội dung vi phạm bản quyền trực tuyến đã từng gặp phải trường hợp bị đánh cắp danh tính. Báo cáo tương tự cũng cho thấy 46% người dùng sử dụng nội dung vi phạm bản quyền đã gặp phải phần mềm độc hại, so với chỉ 9% người dùng không vi phạm bản quyền.

Trang web bóng đá không bản quyền, tiềm ẩn rủi ro an ninh mạng. Ảnh chụp màn hình

Liên quan tới vấn đề bản quyền và an ninh mạng tại Việt Nam, GS Paul Watters, nhà tư vấn và nghiên cứu an ninh mạng cho biết: “Việt Nam ghi nhận thiệt hại kỷ lục hơn 900 triệu USD do các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào năm 2022. Người tiêu dùng cần biết rằng các trang web và ứng dụng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền là một trong những nguồn chính gây ra các cuộc tấn công này. Mặc dù phần mềm chống vi-rút có thể giúp người tiêu dùng nhưng cũng không thể theo kịp sự bùng nổ của các biến thể phần mềm độc hại mỗi ngày. Phòng bệnh hơn chữa bệnh – hãy tránh những trang web lưu trữ và phân phối phần mềm độc hại.”

Đồng ý với quan điểm trên, Giám đốc pháp lý Ngoại hạng Anh Kevin Plumb chia sẻ “Những người xem lậu sẽ không chỉ bỏ lỡ những trải nghiệm trận đấu tuyệt vời nhất mà còn phải đối mặt với hàng loạt các mối đe dọa an ninh mạng. Khi truy cập nội dung vi phạm bản quyền, người dùng tự đẩy bản thân mình vào tay tội phạm. Chúng sử dụng hàng loạt các phương thức để xâm phạm thiết bị của người xem. Việc này có thể dẫn tới hằng hà sa số các hệ luỵ, bao gồm gian lận và đánh cắp danh tính. Chúng tôi chỉ muốn khuyên người hâm mộ bóng đá Việt Nam đừng tự rước lấy rủi ro an ninh mạng. Hãy xem những trận cầu của Giải ngoại hạng Anh với chất lượng tốt nhất thông qua đối tác phát sóng chính thức của chúng tôi.”

Thực tế, teo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, đã có gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net… bị ngăn chặn truy cập.

Còn theo số liệu từ SimilarWeb – Công ty thông tin thị trường kỹ thuật số dành cho khách hàng doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng.

Trước tình hình đó, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, ông Phạm Hoàng Hải cũng nêu ra các giải pháp cần hướng tới để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN). Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.

Dựa trên cơ sở đó, mới đây đại diện của Truyền hình K+, ông Phạm Tuấn Đạt, Giám đốc Thể thao cho biết: Truyền hình K+ đã hợp tác với Ngoại hạng Anh và các cơ quan chức năng để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền, đẩy lùi các hành vi xem lậu ẩn chứa những nguy cơ độc hại và ảnh hưởng xấu tới gia đình và xã hội, chúng tôi luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng phát sóng trực tiếp giải bóng đá. Chúng tôi hiểu rằng khi các gia đình, các nhóm cộng đồng cùng nhau thưởng thức thứ “bóng đá sạch” ấy chính là tiếp nối và truyền thụ đam mê bóng đá”.

Việc xem bóng đá từ những trang web “lậu” không chỉ là vấn đề về việc vi phạm bản quyền, mà còn là một mối đe dọa đối với an ninh mạng và thông tin cá nhân của người xem. Chúng ta cần tăng cường ý thức và hành động để bảo vệ chính mình và cộng đồng trực tuyến khỏi những rủi ro này.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích