Xảy ra đua giá, cướp lệnh tại cổ phiếu công ty nhà Cường “Đô La”
Phiên sáng nay ghi nhận việc cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vượt mệnh giá sau chuỗi tăng trần vừa qua. Chỉ tính trong vòng một tháng qua, mã này đã tăng giá 142%.
Mặc dù tình trạng rung lắc mạnh vẫn diễn ra vào sáng nay (9/6), tuy nhiên, tạm kết phiên sáng, VN-Index vẫn duy trì tăng nhẹ 0,13 điểm tương ứng 0,01% lên 1.101,45 điểm; VN30-Index tăng 1,53 điểm tương ứng 0,14%. HNX-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,08%; UPCoM-Index tăng 0,17 điểm tương ứng 0,2%.
Thanh khoản đạt 353 triệu cổ phiếu tương ứng 6.331 tỷ đồng trên HoSE và 56 triệu cổ phiếu tương ứng 820 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 57 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 362 tỷ đồng.
Chỉ số tăng nhưng thị trường vẫn “xanh vỏ đỏ lòng” với số lượng mã giảm trên cả 3 sàn là 456 mã so với 365 mã tăng giá.
Xuất hiện một mã cổ phiếu tăng trần hơn 39% trên sàn UPCoM sáng nay (Nguồn: VDSC). |
Đáng chú ý là dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động rất tích cực. Có tới 85 mã tăng trần, tập trung tại các mã vốn hóa nhỏ. Trên thị trường UPCoM, nơi có biên độ giá sàn – giá trần thông thường khoảng 30%, số mã tăng trần lên tới 67 mã (biên độ tăng trần thường quanh mức 15%). HNX có 12 mã tăng trần (biên độ tăng trần khoảng 10%) và HoSE có 6 mã tăng trần (biên độ tăng trần gần 7%).
Cổ phiếu bất động sản sáng nay đã bị chốt lời đáng kể, nhưng một số mã vẫn tăng trần như QCG, TLD; NVT tăng 3,2%; TEG tăng 2,4%; LDG tăng 2,3%.
Trong đó, QCG đã vượt mệnh giá, tăng trần lên 10.600 đồng và trắng bên bán. Chuỗi tăng của QCG thời gian qua thực sự rất ấn tượng.
Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận mức tăng hơn 142% chỉ trong vòng một tháng giao dịch và tăng hơn 166% kể từ đầu năm. Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường rung lắc, điều chỉnh nhưng giá cổ phiếu QCG vẫn bền bỉ, miệt mài tăng trần và thường xuyên “cháy hàng” – đây là mơ ước của mọi nhà đầu tư và cổ đông các doanh nghiệp niêm yết khác.
Diễn biến tăng giá đáng mơ ước của QCG kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: Tradingview). |
Dòng vật liệu cơ bản có MDG tăng trần, BMP tăng 5,2%; DC4 tăng 5,1%; KPF tăng 3,2%. Trong khi hàng loạt mã đã bị chốt trên diện rộng: HAS giảm 6,2%; EVG giảm 4,5%; SC5 giảm 4%; TCR giảm 2,8%; HUB giảm 1,9%…
Trên sàn UPCoM, nhiều mã cổ phiếu tăng với biên độ chóng mặt. VPW tăng trần 39,1% lên 8.900 đồng nhưng khớp lệnh chỉ đạt 4.700 cổ phiếu; B82, DPS, HLA, PPI, S96 tăng trần với biên độ 16,7%.
Sau phiên “đánh úp” chiều qua, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nhịp điều chỉnh của VN-Index là dễ hiểu và cần thiết để thị trường có thể tiếp tục hướng đến khu vực 1.120-1.125.
Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi trong những phiên điều chỉnh và tận dụng những nhịp rung lắc mạnh trong phiên để tìm kiếm cơ hội giải ngân ở các mức giá chiết khấu đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Vậy nhưng, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) lại lưu ý rằng, một phiên giảm điểm với thanh khoản lớn như hôm qua là dấu hiệu cảnh báo ban đầu cho khả năng đảo chiều xu hướng ngắn hạn.
Phiên hôm nay, nếu lực bán ra không quá mạnh do đã được hấp thụ được một phần vào phiên giao dịch ngày thứ 5, qua đó giúp chỉ số đại diện sàn HoSE duy trì đóng cửa trên mốc 1.100 điểm, thị trường có thể sẽ xuất hiện những nhịp hồi phục trở lại ở các phiên giao dịch sau đó. Tuy nhiên, nếu VN-Index chốt tuần phía dưới đường EMA200 ngày, xác suất đảo chiều kết thúc xu hướng tăng giá hiện tại sẽ gia tăng mạnh hơn.
Nguồn: Báo xây dựng