Xây nhà ở cho công nhân
Nhiều địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang lên phương án xây dựng nhà ở giá rẻ để giữ chân người lao động sau làn sóng công nhân trả nhà trọ về quê tránh dịch.
Chỉ mong có nhà
Nhiều công nhân phải sống trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội Ảnh: Duy Quang |
Căn phòng trọ ẩm thấp khoảng 12m2, tường nứt nẻ, nóng hầm hập là nơi ở của 5 người trong gia đình bà Thạch Thị An quê ở tỉnh Sóc Trăng đến Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai làm ăn, sinh sống. Hằng ngày bà An đi dọn nhà thuê, con gái làm công nhân, chồng và 2 con trai đi làm thợ xây. “Mọi người sáng đi sớm, tối về ngủ nên không thấy chật chội lắm. Miễn là có nơi tắm rửa, ngủ và giá thuê nhà rẻ”, bà An nói và cho biết, những ngày dịch dã, cả gia đình bà An sống trong khốn khó, khi suốt ngày 5 người lui tới trong căn phòng trọ chật như cái hộp, rất bí bách.
Rời Quảng Nam vào Sài Gòn đã 15 năm, anh Đoàn Thanh Trà khao khát sở hữu ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Vợ anh làm kế toán cho một doanh nghiệp ở quận 12, còn anh làm việc ở khu công nghiệp Tân Bình. Hồi 2016, anh chạy lo thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội trên đường Trung Mỹ Tây, quận 12 nhưng hồ sơ không đạt.
Khu nhà ở công nhân tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng |
Tổng thu nhập của hai vợ chồng anh Trà được gần 20 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống, mỗi tháng để dành được khoảng 5 triệu đồng. Cũng 5 năm trước, anh nhẩm tính với mức thu nhập đều như vậy, sẽ mua được một căn hộ trả góp ở ngoại thành TPHCM. Nhưng bây giờ cầm tiền trong tay, anh giật mình vì phải tiếp tục dành dụm thêm ít nhất 5 năm nữa mới mong có nhà.
“Đợt dịch COVID-19, cả xóm trọ có hơn 30 người thành F0, bản thân tôi cũng phải đi điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 4. Gần 3 tháng trời, hai vợ chồng và đứa con giam mình trong phòng trọ 10m2 càng thôi thúc tôi mua nhà. Tuy nhiên, giá nhà tăng quá nhanh khiến ước mơ ngoài tầm với”, anh Trà nói.
Không còn loại căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) căn hộ diện bình dân, vừa túi tiền hiện rất khan hiếm nhưng nhu cầu của người dân là rất lớn. Cụ thể, căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã biến mất khỏi thị trường, nên hiện nay giá thấp nhất khoảng 30-32 triệu đồng/m2, được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.
“Những năm qua HoREA luôn khuyến cáo các doanh nghiệp ưu tiên phát triển phân khúc này, để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung phân khúc này khá nhỏ giọt và luôn “cháy hàng” ngay sau khi mở bán”, ông Châu nói.
Hiện nay, TPHCM có 22 khu công nghiệp, khu chế xuất và 2 khu công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung với 420.000 công nhân. Thế nhưng, báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, từ 2016-2020, TPHCM chỉ phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm. Tính đến năm 2020, TPHCM có hơn 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra trước đó là phát triển 20.000 căn. Sở Xây dựng đang rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân để có cơ chế hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang lại. Theo số liệu khảo sát, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng. Số người thuê nhà là 1.699.000 người, trong đó có 886.000 công nhân và các đối tượng khác.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Giải quyết thủ tục “thần tốc“
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, đã có công văn đề xuất UBND TPHCM xem xét sử dụng 8 khu đất trên địa bàn để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 3 năm. Tám khu đất này có tổng diện tích hơn 13ha, hiện đều do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng. Sau khi xây dựng xong, các cơ sở nhà lưu trú này sẽ để công nhân thuê với mức giá rất rẻ.
Tại Hội nghị công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060 mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Theo ông Bình, dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của TPHCM, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Chẳng hạn, quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, nhưng phòng trọ chỉ rộng 20-30m2. Mỗi phòng trọ này thường có từ 5 đến 6 người ở.
“Trong 1 năm, các doanh nghiệp của TPHCM có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân ở được không? Quy định về pháp lý có rồi. TPHCM sẽ giải quyết thần tốc về thủ tục để các doanh nghiệp xây dựng nhanh”, ông Bình nói.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc tạo nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là phải bắt đầu từ những việc có thể làm ngay để giải quyết nhu cầu trước mắt. Nếu có chính sách tốt, vài tháng nữa TPHCM có thể cải tạo hàng trăm, thậm chí hàng trăm ngàn nhà trọ để người dân có thể cải thiện ngay chỗ ở. Còn việc xây nhà 5 tầng, 10 tầng thì phải một năm nữa.
Đồng Nai: Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nhà ở cho công nhân Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, một trong những nguyên nhân khiến người dân ào ạt về quê trong thời gian qua là việc xây dựng nhà ở công nhân không đảm bảo. Do đó, mục tiêu của Đồng Nai là hạn chế dần các khu nhà trọ không đạt yêu cầu, tìm các giải pháp để ổn định nơi ở cho người lao động một cách tốt hơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, Đồng Nai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án nhà ở tại những khu vực có đông công nhân đang sinh sống trong các khu nhà trọ. Tỉnh khuyến khích những hộ gia đình, cá nhân có từ 2.000m2 đất trở lên đầu tư các khu nhà cao tầng để tăng số phòng, căn hộ bán hoặc cho thuê. Bình Dương: Nhà xã hội từ 100-200 triệu đồng/căn Tại Bình Dương, nhiều năm nay Tổng công ty Becamex IDC đã xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội cho công nhân diện tích 30m2 giá bán chỉ từ 100-200 triệu đồng/căn. Theo đó, Becamex IDC xây dựng các chung cư chỉ cao 5 tầng, không có thang máy, chiều cao thông tầng khoảng 4m, các căn hộ có diện tích 30m2 hoàn thiện cơ bản bên trong căn hộ. Các căn hộ tầng trệt có diện tích 45m2 có thể vừa ở vừa làm dịch vụ, kinh doanh. Do nền đất ở Bình Dương vững nên việc xây dựng, làm móng dễ dàng và không tốn nhiều chi phí san lấp mặt bằng. Toàn bộ chi phí đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… đều được nhà nước xây dựng, không tính vào giá bán nhà nên chỉ còn chi phí xây dựng căn hộ. Ngoài ra, các chung cư xây dựng theo một thiết kế mẫu nên giảm được chi phí thiết kế và tiết kiệm được thời gian tổ chức triển khai dự án khiến giá nhà rẻ. |
Nguồn: Báo xây dựng