Xây hầm chống ngập cho Hà Nội?
Tình trạng cứ mưa là ngập ở Thủ đô ngày càng nặng hơn và nan giải. Nhiều người đề xuất Hà Nội xây bể ngầm, hầm thoát nước để giải quyết tình trạng ngập úng khi mưa lớn. Đề xuất này nhận được không ít ý kiến trái chiều, tuy nhiên trong thực tế đây là giải pháp nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và chứng minh hiệu quả.
Tuyến đường Phạm Văn Bạch – Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội) ngập nước sau cơn mưa lớn ngày 13/6/2022 (Ảnh: Tiến Tuấn) |
Vùng thủ đô Tokyo (Nhật Bản) là nơi gần 40 triệu lượt hành khách hàng ngày đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó hơn 8 triệu lượt khách sử dụng tàu điện ngầm. Năm 1971, Tokyo thất thủ trước trận bão lớn, mưa to kéo dài kèm theo sóng cao triều cường làm ngập nhiều tuyến đường ngầm, gây thiệt hại nặng về người và của.
Tình trạng ngập nước tiếp tục diễn ra ở Tokyo những năm sau đó, dẫn đến việc thành phố quyết định đầu tư 3 tỷ USD cho dự án “G-Cans”, hay còn gọi là hệ thống cống thoát nước ngầm khu vực đô thị. Công trình xây dựng từ năm 1993 đến 2006, gồm 5 hầm chứa bằng bê tông cao 65m, đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km. Cùng với đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m, được nâng đỡ bởi 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
(Ảnh tư liệu do KTS Trần Huy Ánh cung cấp) |
Với hệ thống “G-Cans”, Tokyo chủ động trong việc bơm nước mưa ra sông để chống ngập lụt khi cần thiết. Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống thoát nước này có thể xử lý được lượng mưa trên 550mm liên tục trong 3 ngày – lượng mưa sẽ gây ngập các ga tàu điện ngầm nếu không xử lý.
Trong khu vực Đông Nam Á, thủ đô của Malaysia là Kuala Lumpur – có nghĩa là “ngã ba sông bùn lầy” theo cách gọi địa phương. Vùng trũng nằm ở trung tâm sầm uất nhất, thường xuyên ngập sâu mỗi khi mưa lớn. Thập kỷ 90 bùng nổ ô tô khiến giao thông ở Kuala Lumpur ngày thường vật vã tắc nghẽn, còn khi mưa ngập thì hoàn toàn tê liệt. Năm 1998, Kuala Lumpur đã tiếp quản dự án đường sắt nhẹ đô thị bị nước ngoài bỏ dở và bắt tay tự xây dựng thành công 10km đầu tiên. Tiếp theo, thành phố đầu tư nửa tỷ USD làm tuyến đường ngầm dài 9km nối trung tâm thành phố ra hồ chứa bên ngoài. Đường ngầm 3 tầng, trong đó 2 tầng là đường 2 chiều cho 30.000 lượt ô tô qua lại mỗi ngày, còn tầng ngầm làm đường thoát nước.
Khi mưa to, cả 3 tầng trở thành đường ống thoát nước khổng lồ. Toàn bộ dự án do người Malaysia thiết kế và thi công (có thuê máy móc và chuyên gia nước ngoài). Ngoài ra, trong 20 năm qua, người Kuala Lumpur đã chủ động đầu tư xây dựng hơn 300km đường sắt đô thị ngầm và nổi.
Sơ đồ và hình ảnh thi công tuyến đường ngầm chống ngập (dự án SMART) ở Kuala Lumpur (Ảnh tư liệu do KTS Trần Huy Ánh cung cấp) |
Điểm qua hai dự án trên cho thấy các nước giàu và kỹ thuật tiên tiến như Nhật Bản, hay những nước ngay trong khu vực chúng ta như Malaysia đều xây dựng hệ thống hầm chống ngập. Kinh nghiệm quốc tế còn rất nhiều và chúng ta dễ dàng tìm hiểu nếu muốn.
Hà Nội của chúng ta cũng đã xây hầm ngầm chống ngập đầu tiên với diện tích 2.000 m3 trong sân trường THCS Lý Thường Kiệt, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa). Công trình này bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên quy mô không đáng kể so với nhu cầu chống ngập của Thủ đô.
Hà Nội muốn học theo, xây dựng được những hệ thống thoát nước ngầm quy mô lớn như các nước, song đang đứng trước ít nhất ba vấn đề sau. Thứ nhất là thiếu cơ sở pháp lý. Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 không đề cập tới nội dung xây hầm chống ngập. Quy hoạch không gian ngầm Hà Nội cũng không có nội dung này. Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung của Hà Nội, trong mục thoát nước và xử lý nước thải không có ý kiến bổ sung bể ngầm chống ngập.
Thứ hai là thiếu kinh phí. Thành phố đã đầu tư gần 20.000 tỷ đồng cho thoát nước và xử lý nước thải nội thành; còn vùng ngoại thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chi khoảng 20.000 tỷ đồng trong Đề án môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy (bao gồm nội dung thu gom nước và xử lý nước thải). Nghĩa là cho dù câu chuyện thoát nước ở Hà Nội vẫn ngổn ngang, thì các cơ quan cũng đã chi, dự kiến chi những khoản rất lớn. Vì vậy việc cân đối nguồn lực cho hệ thống hầm chống ngập là nhiệm vụ không dễ dàng.
Thứ ba là năng lực quản trị các công trình hạ tầng đô thị phức tạp. Đầu tư xây dựng hầm chống ngập rất đắt do kỹ thuật phức tạp và phải giải phóng các đường dây, đường ngầm nếu có từ trước; xử lý chống sụt lún mặt đất và các công trình lân cận; việc duy tu, bảo dưỡng các công trình ngầm cũng phức tạp, tốn kém… Trong khi hiện trạng tổ chức quản lý dự án hạ tầng ở Hà Nội còn rất nhiều hạn chế, cả về huy động vốn đầu tư lẫn vận hành, bảo trì.
Trong các vấn đề trên, về cơ sở pháp lý thì chúng ta có thể điều chỉnh được ngay nếu có quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận xã hội. Trong đó, đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Hà Nội cần tính đến các công trình ngầm chống ngập, không chỉ cho trước mắt mà lâu dài, nhất là khi kỹ thuật, công nghệ xây dựng ngày càng phát triển.
Vấn đề còn lại khó hơn, đó là huy động nguồn lực như thế nào? Tôi cho rằng Hà Nội có thể thu về rất nhiều tiền bằng cách nhượng quyền phát triển (Transfer Development Right – TDR) các không gian ngầm mới để làm sông ngầm, bể ngầm kết hợp với đường sắt, đường bộ, bãi đỗ ô tô, thương mại dịch vụ và cả cầu ngầm dưới sông Hồng. Đây chính là nguồn lực. Điều quan trọng hơn, khi huy động nguồn lực xã hội, chúng ta cũng giải quyết luôn được vấn đề bộ máy quản trị dự án đầu tư ngân sách quan liêu, yếu kém. Khu vực tư nhân hiện có nhiều doanh nghiệp trình độ quản trị dự án đẳng cấp quốc tế. Chúng ta cũng có cộng đồng ứng dụng công nghệ số hóa thông tin xây dựng (BIM – Building Information Modeling) để lập mô hình tích hợp đầu tư xây lắp hiệu quả, có thể tự động hóa duy tu bảo dưỡng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quá trình xã hội hóa cũng sẽ minh bạch thông tin để cả xã hội giám sát, lựa chọn phương án tối ưu.
Hà Nội đang đứng trước nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ hội để chúng ta tiến hành bài bản các phần việc liên quan, trong đó có câu chuyện công trình ngầm chống ngập. Thành phố cần can đảm lựa chọn cách làm mới tiến bộ, hiệu quả thay cho lề lối cũ. Hà Nội ta có hầm chống ngập hay không? Nói rộng ra tương lai Hà Nội tốt – xấu ra sao trông chờ vào chính người Hà Nội ta cả.
Nguồn: Báo xây dựng