Xây dựng Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh Phú Thọ, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô

(Xây dựng) – Ngày 21/9, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Xây dựng Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh Phú Thọ, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Thành phố du lịch văn hóa lịch sử quốc gia

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày báo cáo tóm tắt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Việt Trì, bao gồm 13 phường và 9 xã.

Về ranh giới, phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh; phía Nam giáp sông Hồng; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; phía Đông giáp sông Lô. Quy mô lập quy hoạch có diện tích tự nhiên khoảng 111,49km2.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; là cơ sở xây dựng thành phố Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh (đô thị loại I), trung tâm vùng, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Phát triển kinh tế – xã hội, môi trường bền vững, an ninh quốc phòng đảm bảo.

Đồng thời, tạo cơ sở xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam xanh – văn minh – hiện đại, có kiến trúc cảnh quan đẹp, kinh tế phát triển và là thành phố đáng sống. Giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, phát triển nhanh bền vững và hội nhập với khu vực, quốc tế; làm cơ sở quản lý xây dựng, thu hút đầu tư, quản lý phát triển đô thị.

Về tính chất đô thị, Việt Trì là thành phố du lịch văn hóa lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam; là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ. Một trong những trung tâm khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao của vùng Trung du miền núi phía Bắc; là đầu mối giao thương và là cực phát triển quan trọng phía Tây Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội; địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Dự báo quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2030 là khoảng 380.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 250.00 người. Đến năm 2040, dân số toàn thành phố là khoảng 500.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 440.000 người.

Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 5.074ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.001ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.640ha. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 5.957ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 3.716ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.807ha.

8 khu chức năng, 3 vùng cảnh quan chính

Cấu trúc không gian tổng thể, hệ thống trung tâm với không gian thành phố được định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc “Một hành lang; một vành đai; một không gian xanh”. Hành lang xanh là dải hành lang trục dọc thành phố theo hướng Tây Bắc – Đông Nam bao gồm trục không gian Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc.

Xây dựng Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh Phú Thọ, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Vành đai xanh có phía trong đê ven sông là không gian xanh, sinh thái cảnh quan; phía ngoài đê kết nối chuỗi các khu dân cư đô thị du lịch, dịch vụ thương mại, gắn với các không gian xanh phục vụ công cộng, công viên, thể thao, quảng trường du lịch, khu sinh thái. Không gian xanh gắn kết hài hòa không gian khu vực Đền Hùng, khu vực nông thôn với đô thị, và không gian ven sông trở thành một tổng thể cảnh quan văn hóa – lịch sử – sinh thái ấn tượng, đặc trưng của vùng đất Tổ.

Về định hướng phát triển không gian, với định hướng tổng thể, Việt Trì là điểm đến du lịch Lễ hội văn hóa lịch sử quốc gia, thanh bình, hài hòa với không gian cảnh quan văn hóa đặc sắc dân tộc Việt Nam. Tổng thể là thành phố du lịch, đô thị xanh sinh thái, văn minh và hiện đại. Có chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đạt chuẩn đô thị loại I.

Theo các khu vực, trên cơ sở phân vùng cảnh quan, phân vùng chức năng, đặc trưng hoạt động của từng khu vực, định hướng phát triển không gian theo 8 phân khu gồm: Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng; Khu trung tâm đô thị hiện hữu – Trung tâm hành chính, chính trị; Khu phức hợp đô thị – Thương mại – Dịch vụ (thông minh); Khu đô thị Du lịch – dịch vụ (phát triển xanh); Khu phức hợp công nghệ cao – đô thị thông minh; Khu đô thị dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; Dải không gian ven sông (bãi bồi); Làng sinh thái kết hợp du lịch – dịch vụ.

Tổng thể thành phố bao gồm 3 vùng cảnh quan chính: Vùng 1 trọng tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng – vùng núi Nghĩa Lĩnh. Vùng 2 là vùng trung tâm các phường hiện hữu, là dải đất dọc hai bên trục đường Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành. Vùng 3 là vành đai ven sông Hồng, sông Lô gồm dải đô thị hỗn hợp ven sông (ngoài đê).

Bên cạnh đó, tạo lập 3 trục chính không gian kết nối sông núi, bố trí tại trung tâm lễ hội nối từ Đền Hùng – trung tâm Văn Lang – ngã ba Bạch Hạc; trục cảnh quan sinh thái văn hóa Minh Phương – Thụy Vân; trục cảnh quan Văn Phú – Phượng Lâu. Trục không gian bắt đầu là khu vực Đền Hùng, kết hợp thoát nước với trục không gian đô thị, kết thúc là công viên sông.

Cần nhấn mạnh giá trị lịch sử đặc biệt của thành phố

Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2040. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.

Theo đó, địa phương cần xác định các yếu tố rõ hơn, vấn đề mới trong quy hoạch trung du miền núi phía Bắc; rà soát bản vẽ số liệu, làm rõ số liệu về đất nông nghiệp; số liệu cơ sở về dân số, xác định rõ tỉ lệ tăng tự nhiên và tăng cơ học; phân tích khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt là các hồ; làm rõ hơn vai trò của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; rà soát bổ sung sơ đồ nhận diện cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên; giới hạn các không gian cần bảo tồn, không gian cần để phát triển du lịch.

Đồng thời, rà soát phân khu chức năng giữa thuyết minh và bản đồ; xem xét quy hoạch cục bộ; có đánh giá những nội dung đã chỉnh sửa; bố trí quỹ đất, không gian cho hạ tầng thương mại; bổ sung giải pháp về đô thị thông minh; làm rõ giải pháp chống ngập úng; nhấn mạnh giữa việc phát triển đô thị lần này với việc bảo tồn di tích…

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn cho biết, các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh Phú Thọ sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung của đồ án.

Xây dựng Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh Phú Thọ, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, thành phố Việt Trì là thành phố đặc biệt với Khu di tích lịch sử Đền Hùng – di tích lịch sử gắn liền với cội nguồn của dân tộc. Xét về góc độ đô thị, thành phố Việt Trì là thành phố được công nhận đô thị loại I từ rất sớm.

Đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung, tỉnh Phú Thọ cơ bản đảm bảo được các nội dung như lịch sử hình thành, tính chất đô thị, rà soát phạm vi ranh giới, quy mô dân số, diện tích… Tỉnh đã nêu được tính chất, tầm nhìn, vị trí của thành phố Việt Trì đối với các tỉnh lân cận và khu vực; xác định được rõ nội dung kế thừa, nội dung điều chỉnh cụ thể.

Để Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thêm hoàn chỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Phú Thọ cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung. Tỉnh cần rà soát đánh giá thực trạng, phân tích thêm những thuận lợi, khó khăn; đánh giá các dự án đầu tư, số lượng dự án; rà soát về dân số, rà soát dự báo dân số cơ học và quy đổi; lưu ý phân tích thêm quy hoạch ngành về giao thông vận tải; rà soát chỉ tiêu đất đai.

Bên cạnh đó, về định hướng phát triển không gian, tỉnh cần phân tích thêm việc phát triển xanh phải gắn với ưu điểm, đặc điểm tự nhiên của khu vực làm quy hoạch; làm rõ hơn việc chia 8 phân khu, hành lang, vành đai xanh, về hệ thống trục phát triển, thiết kế đô thị; xem xét nội dung liên quan đến đê điều, hạ tầng; phải thể hiện được đặc trưng, cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên chính xác và cụ thể trên bản vẽ….

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích