Xây dựng Viện Vật liệu xây dựng trở thành trung tâm khoa học đầu ngành
(Xây dựng) – Chiều 11/1, tại Viện Vật liệu xây dựng đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng xác định rõ các mục tiêu cụ thể để xây dựng Viện trở thành trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước.
Ths. Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Hội nghị có sự góp mặt của Ths. Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cùng các nhà quản lý, lãnh đạo, các khoa học trên nhiều lĩnh vực về vật liệu xây dựng.
Tổng kết công tác năm 2022, PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng và sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể viên chức và người lao động, Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) đã vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 để cơ bản hoàn thành kế hoạch thực hiện các công việc đã đề ra và tuân thủ đầy đủ các nội dung được Bộ Xây dựng giao.
Viện đã hoàn thành công tác đầu tư công và giải ngân hết 100% vốn đầu tư công từ NSNN năm 2022, đồng thời tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 750 triệu đồng từ quá trình đấu thầu mua sắm thiết bị.
PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng phát biểu tại Hội nghị. |
Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được quan tâm và đầu tư thích đáng. Các đề tài, dự án từ các nguồn vốn khác nhau đều được thực hiện nghiêm túc cả về nội dung, chất lượng và tiến độ. Công tác giải ngân kinh phí thực hiện đề tài, dự án vốn ngân sách được thực hiện tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật và đảm bảo đúng tiến độ.
Các hoạt động phục vụ công tác quản lý Nhà nước được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ yêu cầu. Quan hệ công tác giữa Viện và các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng được duy trì thường xuyên và chặt chẽ.
Năm 2022, khối lượng công việc của Viện bao gồm hai nhóm chủ yếu là hoạt động nghiên cứu Khoa học công nghệ và hoạt động dịch vụ Khoa học công nghệ đã đảm bảo công việc cho toàn bộ viên chức và người lao động. Tổng doanh thu toàn bộ hoạt động của Viện trong năm 2022 đạt 106,88 tỷ đồng, tương đương so với năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn Viện sau khi chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 và đầu năm 2022.
Ngoài ra, trong năm 2022 hoạt động nghiên cứu Khoa học công nghệ của Viện được duy trì số lượng và quy mô các nhiệm vụ so với năm 2021, với 04 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài RD/SNKT/SNMT, 19 dự án xây dựng tiêu chuẩn TCVN và 03 đề tài cấp Viện. Tổng kinh phí thực hiện đạt 24,87 tỷ đồng, tương đương so với năm 2021.
Trong năm qua, Viện VLXD đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: doanh thu dịch vụ KHCN của Viện đạt 75,83 tỷ đồng, bằng 102,4% so với năm 2021 (74,07 tỷ đồng). Các đơn vị có giá trị doanh thu vượt kế hoạch: Trung tâm Vật liệu hữu cơ & Hóa phẩm xây dựng vượt 36% so với kế hoạch năm 2022, tăng trưởng 149% so với năm 2021; Trung tâm Thiết bị môi trường vượt 13% so với kế hoạch năm 2022, tăng trưởng 130% so với năm 2021; Trung tâm Kiểm định VLXD vượt 15% so với kế hoạch năm 2022, tăng trưởng 123% so với năm 2021; Trung tâm NCCL & phát triển VLXD vượt 10% so với kế hoạch năm 2022, tăng trưởng 119% so với năm 2021; Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ KTXD chỉ đạt 51% so với kế hoạch năm 2022 nhưng tăng trưởng 113% so với năm 2021; Trung tâm Gốm sứ Thủy tinh đạt 99% so với kế hoạch năm 2022 nhưng tăng trưởng 103% so với năm 2021; Văn phòng chứng nhận đạt 102% so với kế hoạch năm 2022 và tăng trưởng 102% so với năm 2021. Các đơn vị còn lại có doanh thu so với năm 2021 là: Trung tâm Xi măng và Bê tông (83%); Phân viện VLXD Miền Nam (82%); Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (61%).
Với những nỗ lực trong năm vừa qua, kết quả 8 tập thể của Viện được Bộ tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 01 tập thể và 05 cá nhân của Viện được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; 27 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở; Viện được tặng Cờ thi đua của Bộ Xây dựng.
Triển khai kế hoạch công tác năm 2023 mới mục tiêu xây dựng Viện Vật liệu xây dựng trở thành trung tâm khoa học đầu ngành của cả nước, có năng lực nghiên cứu ở trình độ cao với đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, các phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đưa ngành Vật liệu xây dựng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Viện Vật liệu xây dựng tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Viện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Viện, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường hơn nữa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các nghiên cứu viên trẻ nhằm sớm khắc phục hiện tượng thiếu cán bộ thạo việc, thiếu chuyên gia chuyên môn. Đồng thời thu hút cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ cao, có kinh nghiệm về làm việc để đáp ứng yêu cầu phát triển Viện và hội nhập quốc tế.
Bốn là, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả lao động, thực hiện phối hợp tốt giữa lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị và cá nhân trong Viện tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn Viện.
Năm là, tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ cấu tổ chức tại một số đơn vị thuộc Viện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, trong công tác tổ chức cán bộ, Viện sẽ tập trung sắp xếp lại vị trí việc làm theo hướng ngày càng chuyên môn hóa, tinh gọn hơn để tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, viên chức trong Viện.
Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ; tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đối tác lớn trong và ngoài nước; tăng tính chuyên nghiệp của hoạt động kinh doanh; tăng số lượng sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu.
Bảy là, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại trụ sở chính tại Hà Nội, Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam và cơ sở 2 tại Hà Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Ths. Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ ghi nhận những nỗ lực trong năm qua của Viện VLXD, đồng thời đặt ra nhiệm vụ cho năm tới: “Năm 2022 vừa qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể và các trung tâm, phân viện của Viện, đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ Xây dựng đánh giá cao với những kết quả trên, đồng thời hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo. Đây là bài học để thúc đẩy cho năm 2023 để Viện VLXD phấn đấu vai trò và phát huy những thế mạnh của năm cũ. Về công tác chuyên môn, Vụ Vật liệu xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng về vấn đề vật liệu xây dựng, trong đó hoạt động của Vụ đã có đóng góp rất lớn của Viện trong hoạt động triển khai, nghiên cứu, áp dụng thực tiễn. Viện VLXD đã kết nối để cùng Vụ VLXD đưa ra những chính sách để trình lên Bộ. Ngoài ra, đội ngũ khoa học kỹ thuật đã được nâng cao, đây là đánh giá bước tăng trưởng lớn trong việc bồi đắp nhân lực cho Viện VLXD. Vừa qua, Bộ Xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Trong nhiệm vụ của quy hoạch này, yêu cầu Viện VLXD sớm triển khai nghiên cứu và triển khai đề tài, từ đó đem kết quả là sản phẩm trở thành cơ sở dữ liệu trong quá trình quy hoạch khoáng sản về vật liệu xây dựng. Năm 2023, tiếp tục tích cực nghiên cứu để triển khai thành thực tế, đem lại tiếng vang, uy tín, của Viện VLXD trong cả nước và nước ngoài”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, PGS.TS Lê Trung Thành cho biết, Viện đã xác định mỗi chặng đường phát triển sẽ có khó khăn riêng và quan trọng nhất là tìm được giải pháp cách tháo gỡ và hướng đi đúng đắn. Viện trưởng khẳng định, Viện Vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ nghiên cứu để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ do Bộ Xây dựng giao phó. Bên cạnh đó, Viện sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các địa phương và các đơn vị quốc tế, góp phần hoàn thiện lý luận từ các vấn đề thực tiễn.
Nguồn: Báo xây dựng