Xây dựng và lan tỏa giá trị tranh dân gian Đông Hồ
(Xây dựng) – Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá được nhân dân làng Đông Hồ (nay là khu phố Đông Khê, phường Song Hồ) sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ; từng bức tranh đã thể hiện sinh động về xã hội nông nghiệp Việt cổ xưa cùng phong tục, tập quán, thẩm mỹ của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. |
Di sản văn hóa đặc sắc
Theo sử sách ghi lại, Đông Hồ vốn là một làng Việt cổ, có tên chữ là Đông Mại, tên nôm là làng Mái, nằm bên bờ Nam sông Đuống, xưa thuộc vùng Dâu – Luy Lâu; là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá thương mại của nước ta những thế kỷ trước và sau Công nguyên.
Đông Hồ nay là thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề hàng mã và làm tranh. Theo thư tịch và tài liệu cổ (thần tích, sắc phong, gia phả các dòng họ) và các công trình nghiên cứu cho biết, tranh Đông Hồ xuất hiện vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV). Các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, người thợ làng tranh dân gian Đông Hồ vốn xuất phát là người nông dân, chịu thương chịu khó, hiền lành chất phác giàu tình cảm, đã mang “hồn cốt” của con người, làng quê, dân tộc Việt gửi vào từng bức tranh của mình.
Trong cuốn sách “Ai về làng Mái Đông Hồ” nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội năm 2027 có đoạn “con người Đông Hồ giản dị mà sâu sấc, chất phác mà thông minh, giàu tưởng tượng và sáng tạo, dũng cảm trên đồng ruộng, mưu trí khi cầm bút, ung dung thư thái vẽ tranh, làm thơ”… cũng phần nào thể hiện được tính cách của người dân nơi đây.
Hình tượng “Vinh quy bái tổ” được dựng trong khuôn viên Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. |
Vào khoảng năm 1945, theo ghi chép của lịch sử, làng Đông Hồ có 17 dòng họ, tất cả các dòng họ này đều làm tranh. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện làng Đông Hồ chỉ còn một vài gia đình theo nghề làm tranh là gia đình nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế và con trai là Nghệ nhân Nguyễn Hữu Tâm; gia đình Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam có hai người con đều là Nghệ nhân Ưu tú là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh; gia đình cụ Trần Nhật Tấn và con gái Trần Thị Tố Tâm (con dâu của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế). Hiện tại, gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn lưu giữ tại nhà bộ sưu tập các bản khắc cổ có độ tuổi trên dưới 200 năm.
Trải qua thời gian, tranh dân gian Đông Hồ vẫn được nhiều người yêu thích bởi thể hiện những đề tài quen thuộc, gắn liền với hình ảnh làng quê, cuộc sống bình dị hằng ngày của người Việt. Qua bàn tay, khối óc của các nghệ nhân chắt lọc, những bức tranh dân gian Đông Hồ được áp dụng các chất liệu từ thiên nhiên, tạo nên màu sắc truyền thống, vừa tươi mới có độ bền cao mà vẫn giữ được sự hấp dẫn, độc đáo bởi màu sắc, bố cục, khuôn hình hài hoà, đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống như sung túc ấm no: Thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… và cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.
Tính dân tộc của tranh dân gian Đông Hồ còn được thể hiện từ những nguyên vật liệu từ thiên nhiên như giấy dó; màu sắc sử dụng trong tranh dân gian Đông Hồ được lấy từ cây cỏ (sỏi, đá, vỏ sò, vỏ điệp, lá che, lá tràm, hoa hoè…) trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy, ngày nay các nghệ nhân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau, làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo, mang đậm nét hình ảnh quê hương…
Theo các nghệ nhân chia sẻ, quy trình làm tranh dân gian Đông Hồ gồm 3 bước: Chuẩn bị giấy dó (sau khi hái từ rừng về, người thợ sẽ giã nhỏ, rây thành bột mịn và chế biến thành giấy dó); in tranh (người thợ in màu lên tranh để tạo hình thù, một bức tranh cần có 5 bản khắc, in trong 5 lần); phơi tranh (sau khi in xong, tranh cần phơi khô để không bị lem và bền màu).
Ván khắc các nhân vật tranh dân gian Đông Hồ phục vụ nhu cầu của khách hàng được lưu trữ ở Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. |
Để làm nên những bức tranh sinh động, người thợ cần có ván in. Ván khắc in tranh gồm 2 loại: Ván in màu và ván in nét. Ván in nét thường được làm từ gỗ thừng mực hoặc gỗ thị. Dụng cụ khắc ván in là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve được làm từ thép cứng. Ván in màu làm từ gỗ mỡ vì có khả năng giữ màu cao hơn.
Một góc khuôn viên của Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. |
Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa tranh dân gian Đông Hồ
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, ngày 30/6/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề án gồm 3 tiểu dự án, trong đó có Dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ với diện tích xây dựng gần 20.000m2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 100 tỷ đồng (trung tâm được xây dựng từ năm 2020 hoàn thành năm 2022).
Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ đã đón trên 10.000 khách về tham quan tìm hiểu, trong đó có hơn 1.000 khách nước ngoài. Đặc biệt, đơn vị còn đón nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.
Chương trình ký kết về phát triển du lịch, quảng bá tranh dân gian Đông Hồ với Công ty TNHH Phát triển kỹ năng Giáo dục và Du lịch Sun Star. |
Tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hướng tới phát triển Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ trở thành một điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh; là điểm kết nối, quảng bá về các loại hình di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh. Ngày 21/3/2024, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình ký kết về phát triển du lịch, quảng bá tranh dân gian Đông Hồ với Công ty TNHH Phát triển kỹ năng Giáo dục và Du lịch Sun Star.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch Bắc Ninh Nguyễn Hữu Mạo cho biết, chương trình phối hợp giữa trung tâm và Công ty TNHH Phát triển kỹ năng Giáo dục và Du lịch Sun Tars là một hoạt động thiết thực của trung tâm, với các mục tiêu chung nhằm phát huy vai trò của Trung tâm Bảo tồn tranh Đông Hồ trở thành điểm lưu giữ, kết nối di sản văn hóa của tỉnh. Đồng thời, chương trình được tổ chức cũng nhằm thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng; qua đó, phát triển Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ trở thành điểm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc về giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa của quê hương.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Vào Rằm tháng 3 Âm lịch hàng năm, làng Đông Hồ tổ chức hội làng với những nghi thức truyền thống như: Tế thần, thi mã, thi tranh.
Với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương xem xét, thẩm định, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Nguồn: Báo xây dựng