Xây dựng tiêu chuẩn thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Halal
Theo Bộ KH&CN, đến nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật). Đồng thời, Bộ KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal cho 2 tổ chức.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Báo cáo gần đây của nhiều tổ chức quốc tế đã khẳng định thị trường Halal có quy mô rất lớn khi phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo.
Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước quan tâm tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn Halal để tìm cơ hội chinh phục thị trường tiềm năng này.
Ảnh minh hoạ
Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, các nước Hồi giáo đều có các tiêu chuẩn riêng đối với sản phẩm Halal nói chung, thực phẩm Halal nói riêng, chưa có sự hài hòa, chấp nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn Halal được sử dụng phổ biến hiện nay là: OIC/SMIIC của Viện Tiêu chuẩn Đo lường các nước Hồi giáo thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), GSO của Tổ chức tiêu chuẩn hóa các nước Arab vùng Vịnh, MS của Malaysia…
Từ năm 2019-2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phối hợp các ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) xây dựng và trình Bộ KH&CN công bố TCVN 12944:2020: Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung. Nội dung TCVN 12944:2020 có tham khảo các tiêu chuẩn Halal của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex, tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn Malaysia (MS 1500:2019)…
TCVN 12944:2020 đưa ra định nghĩa đối với một số thuật ngữ liên quan đến Halal và các yêu cầu đối với nguồn thực phẩm này (quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản cũng như an toàn thực phẩm). TCVN 12944:2020 là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm Halal và là nền tảng cho việc tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới cũng như cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm.
Ngoài ra, một số tiêu chuẩn cụ thể hóa các nội dung trong TCVN 12944:2020 cũng được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hành trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, giết mổ động vật… nhằm bảo đảm nguyên liệu thu được là Halal, phục vụ cho chế biến thực phẩm Halal.
Theo Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, hiện nay có nhiều cách thức giám sát việc thực hiện các điều luật Hồi giáo đối với thực phẩm Halal, trong đó có giải pháp kiểm nghiệm, phân tích mẫu thực phẩm để bảo đảm thực phẩm không chứa các nguyên liệu động vật không được phép sử dụng, không khuyến khích sử dụng. Do đó, các ban kỹ thuật TCVN cũng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phát hiện nguyên liệu động vật trong thực phẩm bằng kỹ thuật sinh học phân tử để phát hiện thịt lợn, ngựa, các loài bò sát, lưỡng cư…
Các tiêu chuẩn này cũng nhằm thực hiện Quyết định số 1695/QĐ-BKHCN ngày 20/6/2018 của Bộ KH&CN về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc tiêu chuẩn hóa các đối tượng liên quan đến sản phẩm Halal là một trong các biện pháp quan trọng của Bộ KH&CN, cùng với các bộ, ngành nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Halal toàn cầu, góp phần tăng giá trị của chuỗi nông sản Việt Nam.
Bộ KH&CN đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đến doanh nghiệp về chủ trương thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal của Chính phủ và đề nghị doanh nghiệp chủ động, tích cực tìm hiểu các quy định về chứng nhận Halal, cách thức tiếp cận thị trường Halal toàn cầu; tìm hiểu các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal; chủ động đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ khi có khó khăn vướng mắc trong quá trình tìm hiểu hoặc tiếp cận thị trường Halal.
Bảo Lâm