Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là nhiệm vụ lớn cần làm
Theo ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn/năm và năm 2024 cũng vậy. Điều này cho thấy dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp.
Thực tế, theo các thống kê được đưa ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Philippines là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD.
Sở dĩ gạo Việt xuất khẩu mạnh qua Philippines là do gạo Việt Nam có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá cạnh tranh. Tuy vậy, ông Thành cũng chỉ ra rằng, đó là diễn biến của những năm trước đây còn hiện nay giá gạo Việt Nam đang cao nên vấn đề cạnh tranh cần nhìn lại. Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt tại nước này.
Phân tích cụ thể, ông Thành cho biết, Philippines nhận thấy sự phụ thuộc lớn về gạo Việt Nam nên đang đa dạng hóa nguồn cung. Thêm vào đó, theo ông Thành, vừa qua ông có đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt.
Đáng nói, dù rất mạnh về lượng nhưng gạo Việt Nam lại không có thương hiệu ở thị trường này. Rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng không hề biết. “Đây là điều chúng tôi rất trăn trở. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, Thái Lan lại đang làm thương hiệu rất tốt” – ông Thành thông tin và nhấn mạnh, cần phải xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam, để người dân Philippines biết được họ đang ăn gạo được trồng bởi nông dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ lớn cần làm bên cạnh duy trì sản lượng.
Theo một số đại biểu tham dự tọa đàm, cơ hội thị trường chỉ là nhất thời, vấn đề còn lại là người nông dân và doanh nghiệp phải liên kết lại cùng nhau để sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng để qua đó tăng giá trị sản phẩm. Ngoài sản phẩm chính là gạo, cần tính đến những phụ phẩm từ cây lúa và đặc biệt là hướng đến xanh hóa hạt gạo để bán tín chỉ carbon. Trong đó, cần tập trung thực hiện sản xuất theo đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp mà Chính phủ vừa phê duyệt.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam để tham gia vào mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Việc sản xuất theo quy trình sẽ giúp hạ giá thành nhưng chất lượng cao. Khi đó, sản phẩm gạo sẽ có thương hiệu và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho biết: Cách đây 2 tuần, trong một buổi trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, ông rất trăn trở về câu chuyện xuất khẩu gạo theo hướng bền vững, tạo giá trị cho người nông dân và nền kinh tế của đất nước. “Để làm được như vậy, tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy. Từ tư duy nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, chiến lược hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Vì nhà nước là cần tạo ra chính sách có tầm nhìn chiến lược để “ai cũng thắng” chứ không dành riêng cho ai”- ông Tuân chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo, ông Nguyễn Việt Anh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông – chia sẻ, hiện nay bán gạo phần lớn qua đấu thầu tức là chọn nhà cung cấp giá rẻ. Còn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ bán được số lượng ít nên rất khó cân đối chi phí.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lại cạnh tranh rất khốc liệt. Doanh nghiệp đi sai là phá sản. “Năm qua, nhiều nhà máy lỗ vài trăm tỷ, cũng có nhiều doanh nghiệp phá sản. Doanh nghiệp phải định lượng từng hợp đồng, phải bán trước giao hàng sau rất nhiều”- ông Việt Anh cho biết.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu