Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở của hoa mai vàng
Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở của hoa mai vàng
Theo dõi MTĐT trên
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực bảo tồn giống mai truyền thống, thúc đẩy phong trào trồng mai, tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, đưa tỉnh trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.
Với vẻ đẹp sang trọng và tao nhã, mai vàng Huế đã trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực bảo tồn giống mai truyền thống, thúc đẩy phong trào trồng mai, tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo nhằm hiện thực hóa việc “Xây dựng Thừa Thiên-Huế thành xứ sở mai vàng Việt Nam.”
Khẳng định thương hiệu mai vàng Huế
Những ngày này, đông đảo người dân và du khách đã đến tham quan và thưởng lãm không gian trưng bày hàng trăm tác phẩm mai đẹp, quý hiếm tại Lễ hội Hoàng mai Huế.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ hội này nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế và thương hiệu “Hoàng mai Huế” trong dịp Tết đến xuân về.
Lễ hội cũng là cơ hội để các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm của mình và có thể mua bán, trao đổi sản phẩm.
Nghệ nhân Trần Phước Quý trú tại phường An Đông, thành phố Huế cho biết, lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ hội về mai quy mô lớn, nên bản thân cũng như những người chơi mai rất hào hứng, đưa những “tuyệt tác” mai vàng của mình đến với công chúng.
Huế vốn dĩ là xứ sở mai vàng và cây mai cũng gắn bó cả cuộc đời với người chơi. Với người Huế, để có một cây mai đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai còn phải chú ý đến 4 yếu tố “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống.”
Mai vàng Huế hay còn gọi là “Hoàng mai Huế” là loại sinh vật cảnh quý của Việt Nam và có nguồn gen bản địa đặc hữu, thường được định vị một cách trang trọng trong kiến trúc cảnh quan sân vườn ở Huế, từ cung đình, phủ đệ, dinh thự, đến đình chùa, nhà dân.
Mai vàng Huế có những tính trạng đặc trưng là lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa có cuống ngắn; 5 cánh màu vàng tươi, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau; hương thơm dịu nhẹ.
Mai vàng Huế cũng đã trở thành “sứ giả,” tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế. Vì thế, những ngày Tết, hầu như nhà nào cũng có một chậu hoặc một cành mai ở trong nhà với ước mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân, mai vàng Huế còn mang giá trị thương hiệu và kinh tế cho người trồng thông qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong nghệ thuật tạo dáng, thế. Tại Thừa Thiên-Huế đã có những vườn mai, làng mai truyền thống, không chỉ làm đẹp mà còn mang giá trị kinh tế cao.
Làng nghề truyền thống trồng mai Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền có khoảng 80% hộ dân trồng và kinh doanh mai.
Những giống hoa mai như hoàng trúc mai, hoàng diệp mai, diệp cúc mai… được người dân nơi đây gieo trồng, uốn nắn, lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Hầu như nhà nào cũng có mai trong vườn, nhà ít cũng có vài cây, nhiều thì lên đến vài trăm cây. Mai ở đây còn tạo nên nét đặc trưng riêng có khi được uốn nắn, tạo hình nghệ thuật theo dáng rồng.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, nghề trồng mai ở làng Thế Chí Tây, là nghề “làm chơi ăn thật.” Tranh thủ thời gian nông nhàn, bà con nơi đây lại trồng và chăm sóc mai, vừa thỏa thú chơi mai cảnh vừa có thêm thu nhập. Nghề trồng mai mang lại thu nhập khoảng 70-100 triệu đồng/năm cho gia đình ông.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Điền Hòa Đặng Văn Quang, toàn xã có hơn 1.000 hộ tham gia trồng mai với hơn 100.000 cây từ 3 năm đến trên 40 năm tuổi. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn xã đã cung cấp ra thị trường hơn 50.000 cây mai giống 1 năm tuổi.
Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch, chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai cảnh, đồng thời đầu tư vốn làm cơ sở hạ tầng để người dân trồng mai và phát triển thành sản phẩm hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Trên địa bàn Thừa Thiên-Huế còn có nhiều vùng chuyên sản xuất, kinh doanh mai giống, mai cảnh khá nổi tiếng như phường An Đông, An Tây thành phố Huế; một số địa phương ở huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, Hương Trà…
Mỗi năm, những nơi này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng vạn chậu mai đẹp vào dịp Tết Nguyên đán, mang về nguồn thu đáng kể cho người trồng.
Đưa Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở mai vàng
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều giải pháp, định hướng với quyết tâm khôi phục, phát triển và nâng tầm thương hiệu mai vàng Huế.
Điển hình là phong trào “Mai vàng trước ngõ” đã được các cơ quan công sở, trường học, nhà dân hưởng ứng; xây dựng những con đường mai vàng ở phía trước khu di sản Hoàng Cung Huế; cải tạo, nâng cấp vườn mai ở dọc đường Lê Duẩn, thành phố Huế; trồng mai ở làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền… Qua đó, đã góp phần tạo không gian cảnh quan và điểm nhấn từ trung tâm thành phố Huế và cho đến các vùng ngoại ô, nông thôn thu hút du khách mỗi độ vào xuân.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành đề án và kế hoạch “Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.”
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được ít nhất 3 rừng mai có quy mô phục vụ tham quan, du lịch, thưởng ngoạn của người dân và du khách khi đến Huế; 100% huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp phục vụ du lịch, trở thành điểm đến đặc sắc của địa phương.
Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế phấn đấu xây dựng được ít nhất 6 rừng mai; phát triển Lễ hội Hoàng Mai Huế trở thành lễ hội truyền thống mang tầm quốc gia; xây dựng tour, tuyến du lịch “Mai vàng Huế” phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Tầm nhìn đến năm 2040, Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, nổi tiếng như thương hiệu xứ sở hoa anh đào của Nhật Bản, hoa tulip của Hà Lan.
Kế hoạch xây dựng Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam đã được các cơ quan, ban ngành triển khai đồng bộ và nhận sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhiều vườn mai vàng được quy hoạch, trồng đúng giống mai vàng Huế; công tác bảo tồn và nâng cao chất lượng mai Huế được triển khai và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được gần 29.000 cây mai; dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức trồng thêm 40.000 cây mai.
Theo Phó Chủ tịch Hội Hoàng mai Huế Hoàng Long, với tinh thần bảo tồn và phát triển thương hiệu mai vàng Huế, thời gian tới, hội tiếp tục tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh mai vàng xứ Huế; hướng dẫn người dân cũng như các nghệ nhân quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, trị sâu bệnh và nâng cao chất lượng mai vàng Huế.
Đồng thời hình thành các điểm sản xuất giống và hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Là đơn vị chủ trì trong thực hiện đề án “Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam,” Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên-Huế cũng đang tích cực triển khai các dự án khoa học công nghệ để nghiên cứu về gen gốc của mai vàng Huế từ đó tiến hành các quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Đồng thời, thực hiện quy hoạch các vườn mai và triển khai hình thành các công viên mai, tuyến đường mai; tiếp tục phát triển phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế – thành phố bốn mùa hoa,” tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái truyền thống của vùng đất cố đô.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên-Huế Hồ Thắng cho biết đơn vị đang đẩy mạnh việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoàng mai Huế nhằm khẳng định thương hiệu và phát huy truyền thống văn hóa của cây mai vàng.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp như bảo tồn nguồn giống mai vàng Huế; công bố các vườn mai giống cũng như cây đầu dòng, đặc biệt tiến hành tuyển chọn khoảng 100 cây mai có tuổi đời 100 năm để có thể công nhận là quần thể hoàng mai Huế đạt kỷ lục Guinness; hỗ trợ hình thành các cơ sở trồng mai để thúc đẩy việc kinh doanh và quảng bá đến du khách trong và ngoài nước; hướng đến phát triển mai vàng Huế trở thành sản phẩm chủ lực vừa là sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của xứ Huế.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị