Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Vẫn còn nhiều thách thức.

Chiều 29/11, trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và tăng cường tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2018, Bộ Xây dựng đã được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thông minh, bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Ông Trần Ngọc Linh – Chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương duy trì sự kết nối thường xuyên trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh.

Đến thời điểm này, cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng quy mô ở toàn tỉnh.

Hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh. Trước hết, xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Đã có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện.

Về việc lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Nguồn kinh phí dự kiến triển khai Đề án đô thị thông minh của các địa phương rất khác nhau, tùy vào mức độ, quy mô đầu tư.

Về triển khai xây dựng khu đô thị thông minh, từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh, các Dự án được đề xuất tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, chủ yếu cũng mới đang ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh. Theo đó, từ năm 2018, Việt Nam đã chính thức gia nhập mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN). Tại hội nghị thường niên của ASCN năm 2020, các nước thành viên đã thông qua các tài liệu gồm: Khung giám sát và đánh giá; khung quy định hợp tác với các đối tác bên ngoài; văn bản ghi chép mở rộng thành viên mạng lưới đô thị thông minh ASEAN…

Cũng theo ông Trần Ngọc Linh, hiện nay, việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh. Các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý, xây dựng phát triển còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

“Ngoài ra, cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh còn chưa cao”, ông Trần Ngọc Linh nhấn mạnh.

Cần bắt đầu từ công tác quy hoạch

Để phát triển thành phố thông minh, đô thị thông minh ở Việt Nam, ông Trần Ngọc Linh đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; phát triển đô thị thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch; xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh.

Bên cạnh đó, hướng tới vận hành đô thị thông minh thông qua các tiện ích thông minh để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn; việc xây dựng đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành…

Còn ông Trần Thiện Chính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện cho biết, việc hình thành hệ sinh thái chính quyền số, lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng đô thị thông minh hiện nay là vô cùng quan trọng.

Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Các đại biểu tham gia hội thảo.

Tại phiên họp thứ 2 UN-Habitat, 193 quốc gia đã yêu cầu xây dựng các hướng dẫn quốc tế về thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm. Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm đảm bảo tính bền vững, toàn diện, thịnh vượng và nhân quyền trong các thành phố. Đặc biệt, có thể có tác động tích cực to lớn đến cuộc sống của người dân. Đòi hỏi phải có sự tham gia sâu sắc vào nhu cầu của người dân và tất cả các bên liên quan.

“Về chiến lược kỹ thuật số đạt được và duy trì hệ sinh thái kỹ thuật số mở, an toàn và toàn diện. Chính phủ số được coi là không thể thiếu trong việc quản lý và chỉ đạo. Trong đó, chính quyền các cấp nên chuyển trọng tâm sang lấy người dân làm trung tâm, cần có sự quản trị mạnh mẽ và rõ ràng”, ông Chính cho hay.

Chia sẻ tại hội nghị về cách làm tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, tỉnh đã rất tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Ví dụ điển hình, trong 2 ngày 14 – 16/11/2023, tại Thừa Thiên Huế diễn ra một đợt mưa lũ lớn, ngay lúc này, tổng đài hỗ trợ ứng cứu bà con mùa lũ đã phát huy được hiệu quả. Theo đó, trong thời gian mưa lũ đã có gần 700 cuộc gọi với gần 255 cuộc gọi cần ứng cứu khẩn cấp được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, dựa trên đặc điểm của địa phương, lắp camera để cảnh báo cho người dân, để người dân được tiếp cận thông tin một cách nhanh, hiệu quả nhất.

“Phương pháp tiếp cận là lắng nghe, quan sát, phản ánh của người dân chính là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Chúng tôi đề ra nguyên tắc là “không nghe báo cáo”, mà phải lắng nghe, quan sát thông tin từ người dân và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời. Về điểm kết nối, nếu trước đây, nếu người dân muốn tiếp cận với chính quyền các cấp thì phải đến trực tiếp từng nơi. Tuy nhiên, chúng tôi đã thay đổi, lấy Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế làm trung gian. Từ đó, mọi nhu cầu, liên kết đều thông qua trung tâm này”, ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 đặt chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”. Chương trình được xây dựng với 9 hội thảo chia làm 3 tuyến chuyên đề:

– Chuyên đề 1: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp – hướng tới chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm xây dựng cơ chế, phát triển đô thị thông minh để kiến tạo một môi trường sống thông minh hơn, hiệu quả, tiện ích hơn cho con người, doanh nghiệp, không phải nhằm xây dựng một đô thị số thay cho đô thị thực.

– Chuyên đề 2: Công nghệ, dữ liệu và kết nối – nội dung hướng tới giới thiệu, bàn thảo những công nghệ, ứng dụng công nghệ số, giúp kiến tạo, kết nối, phân tích xử lý, và khai thác dữ liệu số.

– Chuyên đề 3: Hợp tác và phát triển – hướng tới thúc đẩy hợp tác và phát triển công nghệ, phát triển các giải pháp giúp giải quyết các bài toán cụ thể, cấp thiết của các đô thị.

Nhóm PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích