Xây dựng Thanh Oai thành quận đô thị sinh thái của Hà Nội
(Xây dựng) – Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Tọa đàm “Đóng góp ý tưởng về định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do UBND huyện Thanh Oai và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10/5.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai kỳ vọng các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp ý kiến tâm huyết góp phần quy hoạch phát triển Thanh Oai xứng tầm. |
Xuất hiện nhiều yếu tố mới
Huyện Thanh Oai nằm ở phía Tây Nam đô thị trung tâm Thủ đô, diện tích tự nhiên 123,8km2, dân số 207,6 nghìn người.
Thanh Oai ban đầu là huyện thuần nông, có lịch sử lâu đời, mang nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ, với hệ thống di tích đình, chùa cổ và làng nghề lớn…
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định 1259/QĐ-TTg); Quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai đến năm 2030 (UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4464/QĐ-UBND, năm 2014), Thanh Oai được xác định là hành lang xanh của Thành phố Hà Nội, với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái kết hợp các làng nghề và cụm đổi mới gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch và bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái chất lượng cao, phát triển kinh tế tổng hợp…
Triển khai các quy hoạch nói trên, những năm qua, Thanh Oai đã thực hiện đầu tư phát triển cá dự án hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, củng cố các cụm tiểu thủ công nghiệp, phát triển các khu vực công nghiệp và các dự án đô thị…, phần nào góp phần thay đổi nền kinh tế – xã hội huyện theo hướng tích cực.
Tính đến năm 2021, tỷ lệ đất đô thị tự nhiên trên địa bàn huyện khoảng trên 942ha, bao gồm thị trấn Kim Bài và các khu đô thị như Mỹ Hưng, Thanh Hà A, Thanh Hà B…, chiếm khoảng 7,6% diện tích. Đất phục vụ đô thị bao gồm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giao thông đối ngoại và du lịch – dịch vụ – nghỉ dưỡng khoảng 180ha, chiếm khoảng 1,45% diện tích toàn huyện.
Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển của Thanh Oai cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Do được quy hoạch với tính chất nông nghiệp sinh thái, hành lang xanh, Thanh Oai không có nhiều các cơ hội động lực phát triển vùng. Việc phát triển nông nghiệp chưa tạo nên được các đột phá. Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Ngược lại đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh. Một số khu vực không gian có điều kiện tự nhiên và hiện trạng thuận lợi nhưng chưa được nghiên cứu khả năng, tạo cơ hội phát triển.
Hệ thống hạ tầng hiện có của Thanh Oai còn thiếu và chưa được khai thác, tận dụng tối đa các cơ hội khi Vành đai 4 Hà Nội được đầu tư xây dựng. Định hướng quy hoạch chung năm 2014 chưa đánh giá thực sự đúng nhu cầu phát triển của khu vực, chưa phân bổ khai thác nguồn lực chưa hiệu quả, cần phải thay đổi, điều chỉnh dự báo, cơ cấu lại đất đai, xây dựng lại mô hình phát triển mới.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan phát biểu tại cuộc tọa đàm. |
Hiện nay, UBND huyện Thanh Oai cùng với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đang khẩn trương nghiên cứu nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan kỳ vọng tại cuộc tòa đàm, Thanh Oai nhận được sự đóng góp ý kiến trí tuệ, tâm huyết, mang tính chuyên môn cao, cung cấp luận chứng, luận cứ, cách nhìn sáng tạo, khoa học của các chuyên gia để có được nhiệm vụ quy hoạch tốt nhất, phục vụ hiệu quả trong việc định hướng phát triển Thanh Oai trong tương lai.
Đề nghị bổ sung một số nội dung mới vào nhiệm vụ quy hoạch
Chia sẻ quan điểm mục tiêu huyện Thanh Oai hướng đến, Bí thư Huyện ủy Bùi Hoàng Phan cho biết: Theo chủ trương của Thành phố Hà Nội, Thanh Oai phát triển thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025; phát triển lên quận vào giai đoạn 2028-2030. Nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng huyện phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí phát triển Thanh Oai trở thành quận đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ kết hợp công nghiệp trong tương lai.
Bí thư nhấn mạnh: Thanh Oai xác định lấy trục Quốc lộ 21B và đường Cienco5, Vành đai 4 là động lực phát triển, từ đó, quy hoạch, đầu tư thêm các trục đường ngang trục. Từ trục đường ngang trở lên phía Bắc chú trọng phát triển đô thi, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ. Từ trục ngang trở xuống đến phía Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái…
Nhiệm vụ quy hoạch cần chú trọng bảo tồn, phát huy, khai thác phát triển văn hóa lịch sử lâu đời gắn với du lịch; phát triển nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Khi hình thành Vành đai 4 của Hà Nội, Thanh Oai mong muốn xác định ngay các nội dung mới như phát triển một số khu đô thị như dọc theo đường Vành đai 4, khu đô thị Cao Viên, các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục thể thao…; các dịch vụ logistic, bệnh viện, khu thương mại dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề…
Vùng xanh đa chức năng
Tại Tọa đàm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, đại diện đơn vị tư vấn đã giới thiệu về dự thảo nhiệm vụ quy hoạch.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu tại cuộc tọa đàm. |
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch xác định tầm nhìn Thanh Oai đến năm 2030 sẽ là một huyện sinh thái. Đến năm 2050 toàn huyện sẽ là một đô thị sinh thái hiện đại và vùng nông nghiệp công nghệ cao; Là vùng kinh tế phát triển phía Tây Nam của thành phố theo hướng xanh, hiện đại và thông minh.
Thanh Oai phát triển kinh tế tổng hợp, phát triển nhanh và bền vững; Chú trọng phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, có môi trường đầu tư¬ thuận lợi.
Đồng thời, Thanh Oai là vùng xanh đa chức năng, với cảnh quan sinh thái, dấu ấn đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, một không gian sống, làm việc ở đô thị và nông thôn chất lượng cao, hấp dẫn bởi các hoạt động du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, với không gian kiến trúc hài hòa với thiên nhiên…
Dự thảo nhiệm vụ quy hoạch xác định phân vùng phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu vùng huyện nông nghiệp thành cơ cấu 5 vùng chức năng gắn với tính chất đô thị.
Định hướng tổ chức không gian đô thị, các điểm dân cư theo 5 vùng, gồm định hướng phát triển khu vực ven tuyến Vành đai 4 và ven đường trục phát triển phía Nam là đô thị sinh thái – dịch vụ; Vùng phát triển mở rộng đô thị Kim Bài hình thành khu vực hỗn hợp đô thị – trung tâm huyện; Phát triển khu vực Dân Hòa, Phương Trung thành đô thị sinh thái; Tiếp tục hoàn thiện khu đô thị Bắc đường Vành đai 4; Bảo vệ và nâng cấp các điểm dân cư nông thôn tồn tại theo quy hoạch.
Nhiệm vụ quy hoạch cũng đề cập các khu chức năng khác như phát triển, bổ sung các khu, cụm công nghiệp tập trung; bổ sung các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phía Đông Nam của huyện; bổ sung, hoàn thiện hệ thống khung xanh sinh thái – du lịch và nhất là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn Quận đô thị.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học thành viên của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã đóng góp nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Thanh Oai.
Theo các chuyên gia, Thanh Oai có vị trí đắc địa, dư địa phát triển lớn, cần phải rà soát kỹ hiện trạng phát triển đô thị, xác định rõ động lực phát triển kinh tế của huyên…, trên cơ sở đó đề xuất các mô hình phát triển phù hợp.
Định hướng không gian phát triển của Thanh Oai phải gắn với bảo vệ các làng nghề truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; chú trọng nghiên cứu phát triển các khu đô thị xanh, đô thị sinh thái, công viên – điểm du lịch vui chơi lớn, hấp dẫn để thu hút người dân trong khu vực trung tâm Thủ đô và các địa phương khác đến đầu tư, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia thống nhất cho rằng, hành lang xanh không phải là hoàn toàn không quy hoạch xây dựng mới, vẫn cho phép xây dựng thấp tầng với mật độ thấp và xem xét khống chế quy mô của các khu vực đô thị ở mức phù hợp…
Chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng đạt tiêu chí quận đô thị
Đồng tình với quan điểm của một số chuyên gia, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, Thanh Oai hiện mới có 2 trục xuyên tâm là Quốc lộ 21B và đường Cienco 5 nhưng thiếu các đường ngang, đường xương cá. Nhiệm vụ quy hoạch phải làm sao vừa phát triển trục dọc, vừa có trục ngang để Thanh Oai có điều kiện phát triển toàn diện các khu vực.
Thanh Oai có nhiều lợi thế để phát triển đô thị sinh thái, nhiệm vụ quy hoạch đề xuất chỉ tiêu đất đô thị 15 – 20% liệu có đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thanh Oai trong tương lai? Khu vực ven sông Đáy nên phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và cân nhắc phát triển công viên lớn để thu hút người dân Thủ đô đến du lịch, vui chơi.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính thảo luận về các định hướng phát triển không gian Thanh Oai. |
Bà Huyền Mai cho rằng, các khu vực công nghiệp sát Phú Xuyên, Thường Tín đã phát triển công nghiệp logistic, đón đầu quy hoạch phát triển sân bay thứ 2 của Hà Nội, do vậy nên chăng Thanh Oai nghiên cứu phát triển các khu nhà ở xã hội, khu thương mại dịch vụ phục vụ người lao động các khu vực nói trên?
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định: Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô, đây là cơ hội vàng để Thanh Oai dự báo nhu cầu, đề xuất các định hướng phát triển đột phá nhằm đạt được khát vọng phát triển trong tương lai… Nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải cập nhật các định hướng lớn của quy hoạch thành phố và chú trọng liên kết vùng.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định: Nhiệm vụ quy hoạch được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, với đầy đủ căn cứ pháp luật.
Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh: Thanh Oai là huyện ngoại thành khá đặc biệt của Hà Nội, nằm trên trục huyết mạch phía Tây Nam của Thủ đô, có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển thành quận đô thị xanh, sinh thái. Quy hoạch không gian phát triển của Thanh Oai phải có tầm, đột phá và khác biệt với các quận, huyện khác của Hà Nội; phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, làng mạc truyền thống, làng nghề lâu đời; khai thác các trục cảnh quan đặc sắc.
Để phát triển Thanh Oai trở thành quận đô thị xanh, cần ưu tiên phát triển văn hóa xanh, năng lượng xanh, giao thông thông xanh, kiến trúc xanh, cảnh quan xanh, môi trường xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn…; Chú trọng phát triển công viên, tổ hợp vui chơi, giải trí quy mô lớn gắn với cảnh quan dọc sông Đáy, đưa khu vực này trở thành điểm đến mới hấp dẫn của người Hà Nội và các địa phương khác.
Đối với trung tâm hành chính quận trong tương lai, ông Trần Ngọc Chính cho rằng Thanh Oai có thể cân nhắc quy hoạch ở khu vực phát triển mới, đủ rộng chứ không nhất thiết phải bố trí ở thị trấn Kim Bài hiện hữu.
Thanh Oai lưu ý dành quỹ đất phát triển đô thị tương xứng. Trong hành lanh xanh chỉ quy hoạch, xây dựng công trình thấp tầng, không xây dựng cao tầng.
Đối với các khu, cụm công nghiệp đang và sẽ triển khai, Thanh Oai nghiên cứu quy hoạch ở các khu vực gần nhau, không phát triển dàn trải ở nhiều khu vực, không ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới. Lực chọn lĩnh vực công nghiệp với công nghệ phù hợp, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan, hành lang xanh.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm. |
Thanh Oai đặc biệt phải chú trọng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tương xứng với đô thị cấp quận trong tương lai; lưu ý phát triển các trục giao thông ngang, liên kết các khu vực phát triển với nhau, liên kết Thanh Oai với các khu vực khác của Hà Nội; chủ động thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ 4.0 nhằm tăng hiệu quả quản lý đô thị và làm rõ các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu..
Nguồn: Báo xây dựng