Xây dựng QCĐP về chất lượng nước sạch: Bảo đảm sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường
Thực trạng quản lý và chất lượng nước sạch tại Kon Tum
Xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch để bảo vệ sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa)
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.676,5 km². Tỉnh giáp với Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và có đường biên giới chung với Lào, Campuchia dài 280,7 km. Tỉnh gồm 10 đơn vị hành chính: thành phố Kon Tum và 9 huyện.
Tại đây, hệ thống cấp nước phục vụ cho 35.448 hộ dân cả thành thị và nông thôn với 18 đơn vị cấp nước tập trung, chất lượng nước không đồng đều giữa các khu vực.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, các đơn vị cấp nước trên địa bàn chủ yếu có công suất thiết kế từ 1.000 m³/ngày đêm trở lên và đang cung cấp nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, chất lượng nước không đồng đều và việc thử nghiệm các thông số chưa đầy đủ theo quy định của QCVN 01-1:2018/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tỉnh hiện chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) về chất lượng nước sạch.
Đề xuất quy chuẩn kỹ thuật địa phương
Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đang xây dựng dự thảo QCĐP 01:2025/KT Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe của người dân và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của quy chuẩn này là xác định các thông số thử nghiệm, tần suất thử nghiệm, giới hạn tối đa cho phép các thông số đặc trưng cho tỉnh Kon Tum. Việc này là cần thiết để kiểm soát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, đảm bảo an toàn và ổn định.
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum thực hiện quan trắc nước mặt theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, vào mùa khô và mùa mưa. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã hợp đồng với Liên danh Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 và 3 (QUATEST2 và QUATEST3) thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng nước. Các hoạt động thử nghiệm bao gồm lấy mẫu nước mặt và nước dưới đất để đảm bảo nguồn nước nguyên liệu đạt chuẩn trước khi cấp cho người dân.
Thực tế, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều thách thức như kinh phí hạn chế, thiếu phòng thử nghiệm và cán bộ thực hiện. Hiện nay, chỉ 24/99 thông số theo QCVN 01-1:2018/BYT được thực hiện. Các hoạt động kiểm tra, giám sát chủ yếu dựa vào hồ sơ, sổ sách và cảm quan. Tuy nhiên, các đơn vị cấp nước phải thực hiện nội kiểm định kỳ và các cuộc kiểm tra đột xuất khi có sự cố hoặc phản ánh từ người dân.
Do đó, dự thảo QCĐP 01:2025/KT được kỳ vọng là bước tiến quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Quy chuẩn này sẽ cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc để cơ quan quản lý và đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt an toàn, ổn định cho người dân.
Duy Trinh