Xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ngành Xây dựng
(Xây dựng) – Đây là khẳng định của Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật và Hội nghị phổ biến Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng, diễn ra sáng 26/10.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, vai trò quan trọng của việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. |
Để tinh thần thượng tôn pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành vi công nhân viên chức ngành Xây dựng
Ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam).
Thời gian qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp ủy Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị ngành Xây dựng tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam từ chỗ còn mới mẻ đến nay đã dần thấm sâu vào đời sống xã hội, làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật và Hội nghị phổ biến Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đều xác định công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và đặt ra yêu cầu mới, xác định công tác này là một trong ba đột phá chiến lược. Đồng thời, tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh “công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải được các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chú trọng, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ phổ biến Quy chế làm việc của Chính phủ – những điểm mới, quan trọng chủ yếu. |
Khẳng định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, được xác định là khâu then chốt để pháp luật đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Hòa chung không khí cả nước hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước, thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Xây dựng”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng, trọng tâm như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc và các Nghị định… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, hoặc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến; hình thức trả lời văn bản… Qua đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Xây dựng ngày càng đi vào nền nếp và có chiều sâu, thực chất, có nhiều đổi mới; có sự lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với việc thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật
Để tiếp tục đưa Ngày Pháp luật Việt Nam trở thành một sự kiện chính trị – pháp lý quan trọng của ngành Xây dựng với nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu các đơn vị quán triệt kịp thời, thường xuyên các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng pháp luật…
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trao đổi về Quy chế làm việc của Chính phủ. |
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật; gắn kết công tác xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật.
Chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện công tác tổng kết thi hành pháp luật, khảo sát, nghiên cứu lý luận để xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách… trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình soạn thảo văn bản, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và tiếp thu, giải trình kịp thời, bảo đảm tiến độ đề ra.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng. Xác định việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, công tác phổ biến, giáo dục nói chung là một bộ phận của công tác chính trị – tư tưởng. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phải gắn với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chụp ảnh cùng cán bộ, công nhân viên chức ngành Xây dựng tại Hội nghị. |
Cùng với đó, tập trung truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật và những định hướng chính sách lớn của ngành Xây dựng trong năm 2022 và các năm tiếp theo như: chính sách về nhà ở, kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi…
Gắn kết chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tại Hội nghị, phổ biến về Quy chế làm việc của Chính phủ – Những điểm mới, quan trọng chủ yếu, ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ tại Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022, theo đó đã thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Xác định tầm quan trọng của việc phổ biến về Quy chế làm việc của Chính phủ, phát biểu trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Việc nâng cao năng lực soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao là rất cần thiết. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, các cán bộ, công chức, viên chức Bộ Xây dựng cần tập trung nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế làm việc của Chính phủ, cập nhật các kiến thức về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ thiết thực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao”.
Nguồn: Báo xây dựng