Xây dựng nông thôn mới -Thực trạng và định hướng gắn với quá trình đô thị hóa
Xây dựng nông thôn mới -Thực trạng và định hướng gắn với quá trình đô thị hóa
Theo dõi MTĐT trên
Việc nghiên cứu “Quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, thực trạng và định hướng gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa” là cần thiết, cấp bách.
1. MỞ ĐẦU
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác quy hoạch trong xây dựng NTM là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc thực hiện toàn bộ các nội dung khác của Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Nội dung của công tác lập quy hoạch trong xây dựng NTM liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn nông thôn một cách toàn diện; là cơ sở cho việc lập các đề án/chương trình/kế hoạch xây dựng NTM theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM do Chính phủ ban hành [Đàm Quang Tuấn, 2016].
Quy hoạch trong xây dựng NTM được phê duyệt và triển khai là cơ sở để thực hiện các dự án, đẩy nhanh phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, giải quyết vấn đề giảm nghèo, an sinh, xã hội, môi trường, trật tự xã hội,an ninh, quốc phòng ở nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tuy vậy, quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: chưa có quy định, nghiên cứu cụ thể về quy hoạch xây dựng mới cho các vùng đặc thù như các xã ven đô, xã được quy hoạch lên đô thị; thiếu đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch sử dụng đất; thiếu liên kết giữa vùng đô thị – nông thôn;chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến…
Bên cạnh đó, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới, bối cảnh mới gắn với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp,…
Xuất phát từ những lý do trên thì việc nghiên cứu “Quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, thực trạng và định hướng gắn vớiquá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa” là cần thiết, cấp bách.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Tình hình thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
Giai đoạn 2010-2020, các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản để triển khai cơ chế, chính sách của Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong đó có công tác quy hoạch. 100% các tỉnh, thành phố đã ban hành đề án xây dựng NTM cho các giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra các mục tiêu, lộ trình thực hiện cho công tác lập quy hoạch xây dựng NTM đảm bảo phù hợp với tiêu chí xây dựng NTM cho từng giai đoạn.
Một số tỉnh đã chủ động ban hành hướng dẫn cụ thể về nội dung đồ án quy hoạch xây dựng NTM, hướng dẫn quy trình thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng NTM như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang,…
Một số tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn lập quy hoạch cho từng nội dung chuyên ngành cụ thểnhư: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… trong quy hoạch xây dựng NTM.
Huy động nguồn lực là vấn đề quan trọng trong công tác lập quy hoạch, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, các tỉnh/thành phố đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ vốn cho công tác lập quy hoạch trong xây dựng NTM, một số địa phương đã chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa trong công tác lập quy hoạch.
2.2. Kết quả thực hiện các nội dung về quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
Trên cơ sở báo cáo của 20 tỉnh/thành phố(1) về công tác lập quy hoạch trong xây dựng NTM cho thấy: 100% các đã và tỉnh đang triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện, trong đó có 7/20 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện (tỉnh Lào Cai có 14% số huyện đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, tỉnh Yên Bái 14%, tỉnh Ninh Bình 100%, thành phố Hải Phòng 43%, tỉnh Bắc Ninh 100%, tỉnh Thanh Hóa 100%, tỉnh Nghệ An 18%, tỉnh Quảng Ngãi 46%, tỉnh Ninh Thuận 100%, tỉnh Bình Định 30%, tỉnh Đồng Tháp 89%, tỉnh Vĩnh Long 17%).
Quy hoạch xây dựng vùng huyện được xây dựng và phê duyệt, triển khai thực hiện đều gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện; xác định không gian các tiểu vùng trong quy hoạch đáp ứng cho phát triển kinh tế chủ lực của địa phương; hình thành các điểm dân cư tập trung gắn với sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các điểm dịch vụ thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp nông thôn; phát triển du lịch. Quy hoạch trong xây dựng NTM của các huyệnđược thực hiện lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn.
Công tác triển khai quy hoạch xây dựng NTM cấp xã được triển khai đồng loạt từ năm 2010 trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Cho đến nay 100% số xã trên địa bàn cả nước đã hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2010 -2020.
Quy hoạch xây dựng NTM cấp xã đã hợp nhất 3 loại hình quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất) theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM.
Sau 10 năm triển khai lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch xây dựng NTM vào thực tiễn, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế – xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành công nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…
Đến nay, cả nước đã có 71% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 18 tỉnh, thành có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị [Tạp chí Xây dựng và Đô thị, 2021].
(1) Tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Định, Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
2.3. Những khó khăn, vướng mắc và bất cập liên quan đến công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh, những kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch trong xây dựng NTM, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và bất cập cần nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới. Một số vấn đề chính được tổng hợp từ thực tiễn thực hiện tại các địa phương trong cả nước, gồm:
a) Về thực hiện các văn bản pháp luật
– Chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể cho công tác quy hoạch tại các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị. Thời gian thực hiện quy hoạch để các xã, huyện trở thành đô thị có thể kéo dài nhiều năm, nên nếu không triển khai xây dựng NTM, người dân sẽ không được hưởng những quyền lợi cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống; mặt khác nếu đầu tư xây dựng NTM theo các tiêu chí NTM đối với cấp xã, huyện sẽ có thể vướng mắc và lãng phí khi trở thành đô thị – đặc biệt là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
– Vướng mắc trong vấn đề điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng nông thôn. Tại Khoản 3 Điều 35 Luật Xây dựng năm 2014, Quy định điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn trong các trường hợp “(a) Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn; (b) Có sự biến động về điều kiện địa lý tự nhiên; (c) Thay đổi địa giới hành chính”. Như vậy, quy hoạch xây dựng nông thôn ít khi có điều chỉnh cục bộ, vấn đề này gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần điều chỉnh theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
b) Việc triển khai công tác lập quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
– Quy hoạch xây dựng nông thôn thiếu liên kết vùng, chưa đáp ứng yêu cầu kết nối liên xã trong các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện, quy hoạch có tính chất đa mục tiêu, lồng ghép quy hoạch xây dựng với các mục tiêu phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa làm nổi bật, phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đặc hữu của địa phương, chưa định hướng kết nối vùng nguyên liệu với các hoạt động chế biến, logistic, thương mại điện tử trong nông nghiệp, chưa định hướng rõ nét được phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn quá trinh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
– Vẫn còn sự chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch sử dụng đất(giữa hai quy hoạch này có sự khác nhau về chỉ tiêu sử dụng đất, về thời kỳ định hướng quy hoạch, về chức năng, loại đất thể hiện trên bản đồ…), gây khó khăn cho việc lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã khi phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với quy hoạch cấp trên.
– Một số đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn trong quá trình đô thị hóa chưa gắn kết được với mục tiêu, định hướng chuyển dịnh dần cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo điều kiện môi trường sử dụng tối đa lao động trên địa bàn.
– Một số khu vực dân cư sống phân tán rải rác do phong tục, tập quán (dân cư sống bám dọc sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, dân cư sống rải rác trên địa bàn các thôn, xã miền núi) nên việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn khó khả thi.
c) Về quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Về thời gian thực hiện cắm mốc quy hoạch chưa phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan: Tại Điểm a Khoản 3 Điều 44 Luật Xây dựng năm 2014 quy định việc cắm mốc giới ngoài thực địa phải được hoàn thành trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.
Tuy nhiên,sau khi hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt cần tiến hành lập, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Vì vậy, trong thời gian 45 ngày kể từ ngày hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt không đảm bảo thời gian để thực hiện các nội dung công việc trên.
d) Các khó khăn, vướng mắc khác
Về kinh phí tổ chức lập quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng vùng huyện, tương đối lớn; nhiều huyện gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn lập quy hoạch do phải bố trí các nguồn kinh phí để lập quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư, khu chức năng; bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng để đạt các tiêu chí có liên quan.
2.3. Một số định hướng, giải pháp quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước
2.3.1. Thực hiện rà soát soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch cấp tỉnh, huyện, xã gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa
Tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) có nêu rõ một trong nội dung của Chương trình là: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống xã hội gắn với quá trình đô thị hóa [Thủ tướng Chính phủ, 2022]. Trong đó:
– Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) và triển khai, thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa -đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng (sau quy hoạch chungxây dựng xã) nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan ở khu vực nông thôn.
– Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa -đô thị hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.
– Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thực hiện Chương trình gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
2.3.2. Nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy định về xây dựng nông thôn mới cho các xã ven đô;các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị
Nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy định, hướng dẫn về tiêu chí, nội dung xây dựng NTM cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị trên cơ sở điều kiện thực tiễn tại các địa phương.
Đối với các xã, huyện dự kiến hình thành đô thị trong tương lai không thể dừng thực hiện xây dựng NTM vì quá trình quy hoạch để trở thành đô thị thường kéo dài và trong khoảng thời gian đó, kinh tế – xã hội vẫn phải phát triển; người dân vẫn có nhu cầu và quyền lợi được thụ hưởng các phúc lợi xã hội và hạ tầng thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thực hiện như thế nào để vừa đáp ứng được các quy định về tiêu chí xây dựng NTM, vừa phù hợp với định hướng phát triển thành đô thị, tránh lãng phí về nguồn lực đầu tư.
Theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi một số điều của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, bên cạnh nhóm tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực nội thành, nội thị, đã bổ sung nhóm tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành, ngoại thị.
Như vậy, cần rà soát, đối chiếu các tiêu chí xây dựng NTM đối với cấp xã, huyện so với nhóm tiêu chuẩn tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành, ngoại thị để có các quy định, hướng dẫn thực hiện một cách phù hợp.
Các nhóm tiêu chí cần thực hiện rà soát và hướng dẫn thực hiện gồm hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hoá, thương mại); hạ tầng kỹ thuật đô thị (đường giao thông, chiếu sáng, nước sạch, bưu chính – viễn thông); vệ sinh môi trường (thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, hoả táng, cây xanh công cộng); về kiến trúc cảnh quan đô thị…
2.3.3. Đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối khi thực hiệnquy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
– Quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh, lập mới quy hoạch trong xây dựng NTM cấp xã. Do đó, cần phải rà soát lại các quy định tại Luật Đất đai, Luật Xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch trong xây dựng NTM cấp xã.
– Quy hoạch trong xây dựngNTM phải đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn -đô thị, kết nối giữa vùng nông thôn và vùng phát triển công nghiệp, kết nối vùng nông thôn với vùng phát triển du lịch dịch vụ, kết nối vùng đồng bằng -miền núi,…Xây dựng khu vực ven đô trở thành vùng đệm, vùng xanh, khu vực nghỉ dưỡng cho các vùng đô thị liền kề.
2.3.4. Quy hoạch sản xuất trong quy hoạch xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp
Quy hoạch sản xuất trong quy hoạch xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp để hướng đến “Nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”.
– Định hướng phát triển nông nghiệp trong quy hoạch phải làm rõ các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương gắn với chương trình OCOP [Thủ tướng Chính phủ, 2021].
– Định hướng được các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo chuỗi liên kết giá trị bền vững và phát triển mạnh các dịch vụ logistic trong nông nghiệp.
– Định hướng quy hoạch sản các vùng xuất phải gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp trên cơ sở tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 gắn với phát triển thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và kết nối với chuỗi cung ứng sản phẩm quốc gia và toàn cầu; Ứng dụng công nghệ số để quy hoạch sản xuất tích hợp được các dự dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi,..; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản [Hà Văn Định, 2022].
2.3.5. Xây dựng các mô hình phù hợp với đặc thù với từng vùng, miền, địa phương gắn với việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đề xuất, xây dựng được các mô hình phù hợp với đặc thù với từng vùng, miền, địa phương gắn với bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống, văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, những nội dung cấu thành làm nên sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị.
Thực hiện các nghiên cứu, tổng hợp, hướng dẫn, cung cấp phổ biến thông tin đến với cộng đồng nông thôn, để người dân biết lựa chọn những giá trị kiến trúc, những giải pháp thiết kế, xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế, nơi ở cụ thể của từng khu vực vùng miền.
2.3.6. Huy động nguồn lực cho lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh việc phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch, triển khai cắm mốc quy hoạch, thì các địa phương phải huy động các nguồn lực khác để đa dạng nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch như các nguồn vốn về xã hội hóa, các nhà tài trợ cho quy hoạch.
Trong quá trình triển khai quy hoạch vào thực tiễn nên ưu tiên tập trung triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí không sử dụng nhiều kinh phí ngân sách; huy động nhân lực, công lao động từ nhân dân thực hiện dự án phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở nhỏ theo phân cấp, tiết kiệm chi kinh phí thường xuyên, thực hiện một số dự án nằm trong đề án.
Tập trung lồng ghép các nguồn lực có trọng tâm cho các xã điểm của tỉnh, huyện; Tuyên truyền, vận động nhân dân tự vay vốn phát triển sản xuất; Chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của… góp phần cùng Nhà nước thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình.
3. KẾT LUẬN
– Xây dựng NTM“có điểm đầu, không có điểm kết thúc”, tiêu chí quy hoạch là tiêu chí đầu tiên trong bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện NTM. Quy hoạch trong xây dựng NTM được lập, phê duyệt là tiền đề cho việc triển khai các tiêu chí tiếp theo trong bộ tiêu chí quốc gia.
Xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống xã hội gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp -hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt trong giai đoạn mới nhằm hướng tới “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.
– Bên cạnh triển khai thực hiện các hướng dẫn của Trung ương về công tác lập quy hoạch trong xây dựng NTMgắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thì cần có những nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định các tiêu chí, nội dung quy hoạch đối với các xã ven đô và các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị.
Có định hướng cụ thể cho liên kết vùng đô thị – nông thôn, xác định các mô hình cho phù hợp với điều kiện đặc thù từng vùng, miền, địa phương; Quy hoạch sản xuất trong quy hoạch xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp./.
Hà Văn Định
Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT
Tô Thúy Nga
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo của 20 tỉnh, thành phố về công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020.
2. Đàm Quang Tuấn (2016). Quy hoạch xây dựng nông thôn mới – Những vấn đề đặt ra, https:// nongthonmoihatinh.vn/Nhieu-nguoi-cung-quan-tam/Quy-hoach-xay-dung-nong-thon-moi- Nhung-van-de-dat-ra-42989.html
3. Hà Văn Định (2022). Định hướng chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
4. Lã Thị Kim Ngân (2022). Kiến trúc Việt Nam – Phát triển và Hội nhập, https://www. tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-truc-nong-thon-viet-nam-phat-trien-va-hoi-nhap.html
5. Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam (2016a). Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
6. Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam (2016b). Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
7. Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam (2022a). Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi một số điều của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;
8. Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam (2022b). Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
9. Tạp chí Xây dựng và Đô thị số 79/2021 (2021). Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-hien-quy-hoach-xay-dung-nong- thon-moi-tai-huyen-nguyen-binh-tinh-cao-bang-307938.html
10. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Hà Nội.
11. Thủ tướng Chính phủ (2022a). Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Hà Nội.
12. Thủ tướng Chính phủ (2022b).Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
13. Thủ tướng Chính phủ (2022c).Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị