Xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới, hồn cốt mới

Đội ngũ lãnh đạo xã quyết định sự thành công của nông thôn mới

Tại phiên thảo luận ngày 27/7 của Quốc hội, liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình nông thôn mới), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã báo cáo, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới, hồn cốt mới
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Các địa phương hay chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở cho thấy chữ “xây dựng” nghĩa là thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở,… bởi vì xây dựng liên quan tới công trình. Tôi nghĩ rằng đó chính là chúng ta thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế”.

Liên quan tới thu nhập người dân, liên quan tới sinh kế của người dân trong Chương trình nông thôn mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng một trong những “cái bẫy” trong thời gian vừa qua chính là từ tên của chương trình là “xây dựng nông thôn mới”.

“Các địa phương hay chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở cho thấy chữ “xây dựng” nghĩa là thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở… bởi vì xây dựng liên quan tới công trình. Tôi nghĩ rằng đó chính là chúng ta thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế”, ông Lê Minh Hoan chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ví dụ: Nếu 5 năm trước cũng trồng 1 hecta lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 có hecta lúa như truyền thống thì không thể nào tăng thu nhập lên 1,5 lần. Nếu hỗ trợ cho người dân vay tiền để giảm nghèo để mà sản xuất ra một mặt hàng nào đó mà không kết nối được bà con tới thị trường thì cũng không thể nào nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần.

Do đó, ông Lê Minh Hoan đề nghị đại biểu Quốc hội chia sẻ và cho biết, sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị, chú trọng hơn những phần mềm để người nông dân kết nối với thị trường, tạo những giá trị mới để người dân được nâng cao thu thập, nâng cao chất lượng sống.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần bắt đầu là tư duy bền vững, là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường, vì chính chỗ đó mới là bền vững.

Xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới, hồn cốt mới
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng ngày 27/7

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, xây dựng nông thôn mới là tạo những giá trị mới, xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn. “Tiện ích thì đô thị, nhưng mà hồn cốt là hình thành không gian sống và không gian sản xuất cả nghìn năm nay, làm sao chúng ta phải xem đó là một tài nguyên để giữ gìn, bên cạnh việc chúng ta tạo ra một hồn cốt mới để đáp ứng nhu cầu của đô thị”, ông Lê Minh Hoan nêu rõ.

Từ những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm rút ra từ thực tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, đó là: Chính đội ngũ ở lãnh đạo ở xã, nhóm lãnh đạo ở xã mới quyết định sự thành công trong xây dựng Chương trình nông thôn mới. Đội ngũ này sẽ chuyển hóa được những phần mềm, những vấn đề mới vào xây dựng, thực hiện Chương trình nông thôn mới.

“Cán bộ huyện xuống rồi về, cán bộ tỉnh xuống rồi về, cán bộ Trung ương xuống rồi về, ai là người gần gũi, thường xuyên hằng sáng hay ra đồng, buổi chiều, buổi tối cùng ngồi với bà con để thấu cảm với bà con, tìm những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, trong kinh doanh, trong kết nối thị trường với bà con để thay đổi những tập quán của bà con?”, ông Lê Minh Hoan đặt vấn đề.

Huy động nguồn cần tính đến yếu tố đặc thù vùng, miền

Thảo luận tại hội trường về Chương trình nông thôn mới, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình nông thôn mới thời gian vừa qua.

Theo các đại biểu, qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều giải pháp hiệu quả đã được triển khai. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện.

Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới, hồn cốt mới
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa)

Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia…

Quan tâm đến vấn đề về nguồn lực để thực hiện Chương trình, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá), đề xuất cần phải quan tâm giải pháp về nguồn lực, huy động nội lực trong nhân dân. Trong giải pháp mới đề cập đến nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn vốn tín dụng hay từ các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, nhưng mà giải pháp để huy động các nguồn lực trong nhân dân thì chưa đề cập đến.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề về cơ chế hỗ trợ của ngân sách trung ương cho địa phương, trong chương trình dự kiến bố trí nguồn ngân sách trung ương bằng khoảng 62% so với chương trình của giai đoạn 2016-2020. Đại biểu cho rằng cần xem xét thêm về nguồn vốn này, có thể phân bổ kinh phí nhiều hơn. Đại biểu đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu để hỗ trợ cho những địa phương còn phải cân đối ngân sách từ trung ương với các địa phương.

Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk), bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ bố trí nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương. Ngoài ra, theo cơ chế hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương cho các địa phương trong giai đoạn tới, đại biểu đề nghị Chính phủ trong xây dựng, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ cần tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng, miền, trong đó chú trọng đến miền núi vùng Tây Nguyên. Đảm bảo bố trí nguồn vốn, như diện tích tự nhiên khu vực nông thôn, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số để giúp cho các địa phương ở vùng thực sự khó khăn có thêm nguồn lực để triển khai thực hiện mục tiêu, các nội dung của chương trình một cách hiệu quả…

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích