Xây dựng Nông thôn mới hiệu quả, bền vững
Xây dựng Nông thôn mới hiệu quả, bền vững
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của Thái Bình đã góp phần quan trọng để phát triển khu vực nông thôn đi vào chiều sâu, có tính hiệu quả, bền vững.
Để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) cần số tiền gần 35 tỷ đồng. Điều đó đặt ra yêu cầu Vũ Lăng phải nâng cao việc xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như trường học, đường giao thông, khu vui chơi nhà văn hóa thôn, hệ thống điện chiếu sáng, giao thông nội đồng….
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến nay Vũ Lăng đã nhận được các nguồn tài trợ, ủng hộ xây dựng được Trạm Y tế xã, cổng chào, xây mới nghĩa trang liệt sĩ, đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh…
Theo ông Trần Văn Trứ, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, có thể về đích NTM nâng cao trong năm nay. Hiện xã đang tích cực phối hợp với các ngành của huyện rà soát, thực hiện một số tiểu mục chưa hoàn thành, củng cố hồ sơ theo từng tiêu chí.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiền Hải cho biết: Vũ Lăng là một trong 3 xã mà huyện hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định xét duyệt NTM nâng cao trong tháng 8/2023. Năm 2023, huyện Tiền Hải có 5 xã đăng ký phấn đấu NTM nâng cao gồm các xã: An Ninh, Đông Hoàng, Nam Thanh, Phương Công và Nam Hải. 5 xã này đã đạt từ 13-15/19 tiêu chí. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, huyện chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương phối hợp đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ đấu giá Quyền sử dụng đất để các xã có nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nâng cao tiêu chí. Đồng thời,
các phòng ban, chuyên môn của huyện phụ trách các tiêu chí khẩn trương hướng dẫn các xã hoàn thiện các tiểu mục, danh mục, hồ sơ còn thiếu và liên hệ với các ngành dọc cấp trên tập trung chỉ đạo hướng dẫn các xã thực hiện và thẩm định các tiêu chí cho các xã. Đặc biệt, toàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, qua đó huy động được các nguồn lực ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vào xây dựng NTM.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, toàn tỉnh có 7 huyện đăng ký 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hưng Hà 02 xã, Đông Hưng 4 xã, Quỳnh Phụ 6 xã, Tiền Hải 5 xã, Vũ Thư 4 xã, Kiến Xương 3 xã, Thái Thuỵ 3 xã). Trong đó, ngày 16/6/2023 xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ đã được các sở, ngành của tỉnh về thẩm định đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Để đẩy mạnh việc xây dựng NTM nâng cao, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 13/3/2023 Triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 tỉnh Thái Bình; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 27/3/2023 Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn đến năm 2025; Công văn số 469/UBND-NNTNMT ngày 23/02/2023 về việc triển khai một số chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Nhìn lại quá trình xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu của Trung ương, sau hơn 10 năm (2010-2022), Thái Bình đã huy động khoảng 25.144,267 tỷ đồng. Và Thái Bình trở thành tỉnh đi tiên phong trong cả nước với cách làm sáng tạo, trở thành hình mẫu để Trung ương vận dụng triển khai trên diện rộng.
Những cách làm sáng tạo, chủ động nổi bật của Thái Bình có thể kể đến là phương châm ngân sách tỉnh hỗ trợ xi-măng, ngân sách cấp huyện, cấp xã và nhân dân mua vật liệu, đồng thời huy động đóng góp ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn; hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn…
Ngay trong năm 2023, UBND tỉnh có nhiều văn bản: Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 06/01/2023 về Phê duyệt danh mục công trình của các xã thực hiện lắp đặt hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê”; Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 27/4/2023 về việc phê duyệt danh mục công trình của các xã thực hiện lắp đặt hệ thống đèn điện Thắp sáng đường quê năm 2023; Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 Phê duyệt danh mục công trình của các xã thực hiện lắp đặt hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê”, hỗ trợ kinh phí cho 63 xã thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài là 399,264 km. Đến nay đã có 69 xã thực hiện lắp đặt được 141,126km, trong đó 42 xã đã thực hiện lắp đặt 76,566km đèn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Cùng với đó, UBND tỉnh kiện toàn thành viên Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thái Bình đã tổ chức đánh giá phân hạng cho 48 sản phẩm OCOP năm 2022 trong đó có 32 sản phẩm 3 sao; 16 sản phẩm 4 sao...
Để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thời gian tới Thái Bình tích cực tuyên truyền Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ông Vũ Công Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục sẽ phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã hoàn thiện giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn và các tiêu chí huyện NTM; rà soát, đánh giá tiêu chí xã NTM nâng cao của các địa phương theo quy định của Trung ương, của tỉnh; tích cực xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh; chỉ đạo sát sao các xã đăng ký xã NTM nâng cao trong thời gian tới; phấn đấu đến hết năm 2023 có từ 10 xã trở lên đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trở lên.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị