Xây dựng nông thôn mới, điểm sáng và hướng đi hiệu quả của tỉnh Điện Biên

Xây dựng nông thôn mới, điểm sáng và hướng đi hiệu quả của tỉnh Điện Biên

Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1.800 m.

Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc, Việt Nam. Tỉnh có tọa độ địa lý từ 20°54’ đến 22°33’ vĩ độ Bắc và từ 102°10′ đến 103°36′ kinh độ Đông. Tỉnh nằm cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, giáp tỉnh Sơn La về phía Đông và Đông Bắc, giáp tỉnh Lai Châu về phía Bắc, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về phía Tây Bắc, giáp các tỉnh Phôngsali và Luang Prabang của Lào về phía Tây và Tây Nam. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài 455,573 km (đường biên giới với Lào 414,712 km; đường biên giới với Trung Quốc 40,861 km).

tm-img-alt
tm-img-alt

Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1.800 m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1.085 m, 1.162 m và 1.856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh (1.886 m). Ở phía Tây có các điểm cao 1.127 m, 1.649 m, 1.860 m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong cả tỉnh. Trong đó, cánh đồng Mường Thanh được tạo thành từ thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc.

Dân số của tỉnh năm 2022 trên 63 vạn người, phân bố không đồng đều với mật độ dân số là 66 người/km². Trong đó, dân số thành thị đạt 95 nghìn người, chiếm 15,2% và dân số nông thôn đạt 530.100 người, chiếm 84,8%. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Điện Biên từ năm 2009 đến năm 2019 bình quân là 2 ‰. Tỉnh có 19 dân tộc, trong đó: Dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, dân tộc Khơ mú 3,3%,  còn lại là các dân tộc khác chiếm 5,51%. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 8 huyện (trong đó có 7 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025) và 129 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã). Tỉnh có 126/129 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 27 xã, phường khu vực I, 05 xã khu vực II, 94 xã khu vực III; có 57 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Bảng 1. Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc Điện Biên

tm-img-alt

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh) năm 2022 ước đạt 14.037,88 tỷ đồng (trong đó sản xuất nông lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 15,89%); tổng số người trên 15 tuổi và trong độ tuổi lao động khoảng 308 nghìn người, chiếm 48,4% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó số lao động có việc làm khoảng 306.265 người, đạt 99,8% (lực lượng lao động ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trên 70%); thu nhập bình quân đầu người còn thấp 39,68 triệu đồng/người/năm (trong đó thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn cao khoảng 30,35% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn 36,57%).

Bước vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn như: tỉnh có 130 xã, phường, thị trấn, thì có 101 xã đặc biệt khó khăn, trong số này có 29 xã biên giới và 1.097 thôn, bản khó khăn; xuất phát điểm thực hiện Chương trình thấp, năm 2011 bình quân là 1,4 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 50%; thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 5,5 triệu đồng/người …; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn rất yếu kém, thiếu đồng bộ; hầu hết các thôn (bản) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phân bố rải rác, cư trú phân tán, xa trung tâm; hệ thống thông tin tuyên truyền còn hạn chế; tình trạng dân di cư tự do vào khu vực biên giới có diễn biến phứ tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự,… Về cơ bản Tỉnh không có nhiều thuận lợi khi triển khai Chương trình. Vì vậy, tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đặc biệt tỉnh là 1 trong 11 tỉnh có xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới.

Sau 05 năm thực hiện Chương trình (giai đoạn 2011-2015) với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự phối hợp tổ chức triển khai thực hiện của các Sở, Ban, ngành tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng ủng hộ, tích cực tham gia của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đến hết năm 2025 tỉnh có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã điểm Thanh Chăn, huyện Điện Biên); 09 xã đạt từ 10-15 tiêu chí; 38 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; còn 68 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân thấp, đạt 5,5 tiêu chí/xã, tăng 4,1 tiêu chí so với năm 2011. Xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển đổng bộ, toàn diện; nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên… Song, Điện Biên vẫn nằm trong nhóm tỉnh có kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt thấp ở khu vực miền núi phía Bắc.

Bảng số 2. Kết quả đạt chuẩn theo từng Tiêu chí đến hết năm 2015

tm-img-alt

Bảng số 3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được đến hết năm 2015

tm-img-alt

Để tiếp tục phát huy kết quả thực hiện trong giai đoạn 2010-2015 và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Chăn; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành các Quyết định để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh và giao chỉ tiêu, nhiệm cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; ban hành các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thôn mới cấp xã; thôn, bản nông thôn mới, thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu; Đề án mỗi xã một sản phẩm và các cơ chế chính sách cần thiết để triển khai thực hiện Chương trình… tổ chức ký cam kết thực hiện Chương trình giữa Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố với Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh. Đặc biệt năm 2018, tỉnh đã tổ chức sơ kết 03 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018 nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ đến năm 2020; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả sau 05 năm thực hiện, đến hết năm 2020 toàn tỉnh Điện Biên đã công nhận 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 14 xã (Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 giai đoạn 2016-2020 là 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới); tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 17,24%; bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã tăng 6,3 tiêu chí so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 37,0%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 19,5 triệu đồng/người/năm.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG các cấp trong việc triển khai thực hiện Chương trình, tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. Trình độ, năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp của địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, trách nhiệm ngày càng cao và gắn bó hơn với công việc.

Bảng số 4. Kết quả đạt chuẩn theo từng Tiêu chí đến hết năm 2020

tm-img-alt

Điểm sáng và hướng đi hiệu quả của tỉnh Điện Biên trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua đó là đã tổ chức triển khai thực hiện đồng thời, có hiệu quả 02 Đề án do Thủ tướng phê duyệt cụ thể: (1) Đề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Đề án 29 xã biên giới, địa bàn triển khai trên 29 xã thuộc 4 huyện: Điện Biên12 xã, Mường Chà: 03 xã, Nậm Pồ: 08 xã và huyện Mường Nhé: 06 xã) và (2) Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020” (gọi tắt Đề án 1385, địa bàn triển khai tại 255 thôn, bản của 25 xã thuộc 04huyện: Điện Biên: 08 xã với 81 thôn, bản;Mường Chà:03 xã với 30 thôn, bản, Nậm Pồ: 08 xã với 71 thôn, bản và huyện Mường Nhé: 06 xã với 73 thôn, bản). Việc triển khai thực hiện có hiệu quả 02 Đề án nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân để vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm 3 không: Không chấp nhận đói, nghèo; không trông chờ ỷ lại; không tự ti, thỏa mãn; tạo ra các thôn, bản có kinh tế hộ phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp; có cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp; an ninh trật tự được đảm bảo; hạn chế thấp nhất mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của người dân trên địa bàn. Đặc biệt nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng và những nét đặc thù của từng vùng, miền tạo tiền đề để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Bắt đầu triển khai từ năm 2016, toàn vùng Đề án có 01 xã đạt 19 tiêu chí (xã Thanh Chăn huyện Điện Biên), 03 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, 13 xã dưới 05 tiêu chí; Số tiêu chí bình quân là 6,0 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo cao 35,4% (toàn tỉnh là 28,01%); thu nhập bình quân/người/năm là 12,13 triệu đồng, bằng 50,1% so với thu nhập bình quân của tỉnh và bằng 26,5% so với thu nhập bình quân của cả nước (45,7 triệu/người); hầu hết các thôn (bản) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phân bố rải rác, cư trú phân tán, xa trung tâm, đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn; hệ thống thông tin tuyên truyền còn hạn chế; tình trạng dân di cư tự do vào khu vực có chiều hướng gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gây mất an ninh trật tự của khu vực; Nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, nhất là cho xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, song nguồn thu ngân sách của địa phương thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách của trung ương cấp; nguồn vốn lồng ghép và nguồn vốn trực tiếp cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu cho xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp của các tổ chức và người dân hết sức hạn chế do đời sống nhân dân còn thấp, trên dịa bàn tỉnh ít doanh nghiệp, đặc biệt không có các doanh nghiệp lớn; vẫn còn một bộ phận lớn người dân vùng đồng bào dân tộc, còn có tư tưởng “trông chờ,ỷ lại đòi hỏi vào sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, chưa “tích cực, chủ động, sáng tạo” và không muốn thay đổi trong xây dựng nông thôn mới…

Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh và các ban, ngành cấp tỉnh đã kịp thời ban hành các Quyết định, Kế hoạch… để chỉ đạo sớm triển khai thực hiện 02 Đề án, tạo sự thống nhất ở các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, các địa phương thuộc Đề án ban hành Kế hoạch cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ các xã thực hiện các chỉ tiêu thôn, bản nông thôn mới; chủ động tổ chức ra quân thực hiện các công việc không cần nguồn vốn đầu tư của ngân sách như: Vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, xây dựng các tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp thông qua việc thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua, cuộc vận động như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”, “Chương trình thắp sáng đường quê”… góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt thôn, bản.

Khắc phục khó khăn, để ổn định đời sống cho nhân dân các thôn, bản đặc biệt khó khăn, bản biên giới và người dân tái định cư; tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực, quan tâm hỗ trợ người dân với phương châm: người dân có đất ở, đất sản xuất, từng bước ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Bằng các nguồn vốn đầu tư của Chương trình và lồng ghép các chương trình, dự án khác đã hỗ trợ cho người dân như:

– Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Ưu tiên đầu tư cho các thôn, bản chưa có đường đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thuỷ lợi … để phục vụ cho người dân mở rộng giao lưu giữa các vùng, nâng cao nhận thức và từng bước thực hiện xóa đói giảm nghèo.

– Về phát triển sản xuất: Tăng cường công tác đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến công cho giúp người dân tái định cư bước đầu ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân tái định cư theo quy định. Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển sản xuất tại các khu, điểm tái định cư, phải lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Dự án liên kết gắn với tiêu thụ Mật ong, Sa nhân (Nậm Pồ), Mắc ca (Mường Nhé), Dứa (Mường Chà)…

– Về ổn định đời sống: Để các hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm sản xuất tại 02 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ; Tỉnh ủy Điện Biên đã phối hợp với Bộ Công an huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 1.149 hộ nghèo tại huyện Mường Nhé và 613 hộ nghèo tại huyện Nậm Pồ.

Từ những hoạt động chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Đến nay, đời sống nhân dân tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, bản biên giới và người dân tái định cư đã dần ổn định và phát triển; hạn chế tình trạng di cư, tái di cư tự do, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và an ninh trên địa bàn tỉnh nói chung, giúp người dân yên tâm sinh sống lâu dài tại nơi ở mới; góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sau gần 05 năm triển khai Đề án 29 xã và 03 năm triển khai Đề án 1385 đã đạt được những kết quả nhất định:

– Đề án 1385: có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Chà Nưa – huyện Nậm Pồ), 03 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 06 xã đạt 10 -14 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 9,76 tiêu chí/xã; có 07 thôn, bản đạt chuẩn thôn bản, nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo bình quân phạm vi Đề án giảm còn 36,2%; thu nhập bình quân ước đạt 12,0 triệu đồng/người/năm.

– Đề án 29 xã biên giới: có 08 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 114% so với mục tiêu Đề án (đến năm 2020 có 07 xã đạt); 06 xã đạt 10-14 tiêu chí; có 15 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 11,03 tiêu chí/xã, đạt 79,75% kế hoạch Đề án (đến hết năm 2020, đạt 13,83 tiêu chí/xã); tỷ lệ hộ nghèo bình quân phạm vi Đề án giảm còn 31,7%; thu nhập bình quân ước đạt 14,3 triệu đồng/người/năm.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và hoàn thành mục tiêu Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới Điện Biên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

  1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân. Tuyên truyền vận động trực tiếp đến nhân dân tại các thôn, bản thực hiện Chương trình nông thôn mới thông qua các tổ chức đoàn thể (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…). Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.
  2. Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình“Mỗi xã một sản phẩm”. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, theo dõi Đề án OCOP và các chủ thể OCOP; tổ chức giới thiệu, trưng bày, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của Đề án OCOP. Rà soát, bổ sung các danh mục dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
  3. Rà soát, đánh giá hiện trạng của các thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025.
  4. Tiếp tục rà soát hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền cấp; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng mô hình xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. làm cơ sở nhân rộng và phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong toàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao 36,57%, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố không đồng đều, thiên tai thường có diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện Chương trình nông thôn mới đến năm 2025 tỉnh Điện Biên rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương như sau:

– Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ bổ sung thêm nguồn lực cho địa phương để đầu tư nâng cấp, phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

– Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung, tiêu chí của Chương trình.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm giúp đỡ tỉnh trong việc giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; thí điểm xây dựng 01 đến 2 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

– Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ cá bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn./.

UBND tỉnh Điện Biên

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích