Xây dựng những thói quen lành mạnh giúp người cao tuổi sống tốt

Xây dựng những thói quen lành mạnh giúp người cao tuổi sống tốt

MTĐT –  Thứ bảy, 11/09/2021 09:59 (GMT+7)

Có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay hôm nay để xây dựng thói quen lành mạnh giúp người cao tuổi sống khỏe ngay trong mùa dịch.

Đầu tiên, cần có một chế độ ăn uống hợp lí:

Giảm ăn đường, tinh bột giúp ngừa bệnh ở người cao tuổi

Mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 1 bát cơm, hạn chế ăn ngọt, bánh kẹo nhiều đường để phòng tránh đái tháo đường và xơ vữa động mạch. Thường xuyên theo dõi cân nặng của bản thân và lưu ý cân nặng của người cao tuổi không nên vượt quá giới hạn bình thường. 

Không nên ăn các món nướng, thức ăn chiên rán quá kỹ

Ở người cao tuổi, bộ máy tiêu hóa trở nên suy yếu, nên khi ăn các món nướng, thức ăn rán kỹ sẽ rất khó tiêu hóa. Các món rán kỹ còn là nhóm thực phẩm giàu năng lượng, có thể gây tích trữ mỡ, béo phì. 

Hạn chế muối

Chế độ ăn hợp lý có tác động làm giảm huyết áp và phòng xơ vữa động mạch. Vì thế, người cao tuổi chỉ nên ăn lượng muối dưới 6g/ngày. Cùng đó, cần bổ sung chế độ ăn giàu kali. Kali có nhiều trong các loại rau, hoa quả như rau dền, dưa chuột, bắp cải, súp lơ, su hào, xà lách, đậu cô ve, giá đỗ, cải xoong, cà chua, cà rốt, cam, chanh, chuối, mận, mơ, dưa hấu…

Việc sử dụng thức ăn giàu canxi (sữa và các chế phẩm của sữa) cũng rất quan trọng nhưng nên sử dụng sữa tách bơ.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chế biến đa dạng thức ăn 

Khi chế biến thành phần cấu tạo các món ăn trong bữa ăn hàng ngày nên thay đổi, đa dạng, phong phú, lưu ý nấu các món có hỗn hợp nhiều gia vị để kích thích ăn ngon miệng, nấu thức ăn mềm để dễ tiêu hóa và phải có món canh.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi đến lượt

Vaccine là vũ khí chiến lược cho người cao tuổi. Tiêm đủ liều sẽ bảo vệ hiệu quả chống lại lây nhiễm, nếu mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ chuyển nặng hơn. Vì vậy, bất cứ loại vaccine nào được phê duyệt và đưa vào tiêm phòng hiện nay đều có giá trị. 

Không sống khép kín, hãy giữ kết nối với mọi người

Duy trì kết nối với bạn bè và gia đình là một yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ. Trên thực tế, nguy cơ bị cô lập được so sánh với nguy cơ béo phì và hút thuốc. Trong những ngày giãn cách xã hội, thường xuyên trao đổi với người thân quen qua trực tuyến sẽ giúp người cao tuổi kiểm soát tốt căng thẳng, yếu tố đe dọa sức khỏe. Cho dù đó là một người bạn cũ hay một người quen mới, hãy cố gắng mở rộng vòng kết nối xã hội của bạn.

Tập thể dục vừa sức 15 phút hàng ngày

Nghiên cứu của Đại học Alabama ở Birmingham, Hoa Kỳ đã kết luận rằng tập thể dục chỉ vài ngày một tuần là đủ để tăng cường sức chịu đựng và sức mạnh trong một nhóm phụ nữ trên 60 tuổi. Người cao tuổi chỉ hoàn thành 15 phút tập thể dục hàng ngày, thực hiện các động tác vừa sức sẽ góp phần vào việc rèn luyện tim mạch và tạo được sức chịu đựng cho cơ thể.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Uống đủ nước theo nhu cầu

Người cao tuổi thường thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống từ 1.5-2 lít nước/ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống.  Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen…

Luôn duy trì lạc quan

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cuộc sống thử thách chúng ta bằng nhiều cách: Những người thân yêu chết do dịch COVID-19, thất nghiệp và bệnh tật ập đến. Nhưng suy nghĩ tích cực có thể là một đồng minh mạnh mẽ. Khi bạn chọn lạc quan và biết ơn, tâm trí và cơ thể bạn phản ứng theo xu hướng tích cực. Những người lạc quan có triển vọng sống lâu hơn và ít bị đau tim và ít trầm cảm hơn so với những người tiêu cực.

Đọc sách, xem tivi, chăm sóc cây cảnh… là những cách giúp người cao tuổi thư giãn, giữ tinh thần lạc quan trong đại dịch./.

A Hạ (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích