Xây dựng lộ trình APO Năng suất Xanh GP 2.0
Khóa đào tạo về GP được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2001 đã phát triển được một lực lượng lớn chuyên gia GP để trở thành cố vấn và người thực hành cho các doanh nghiệp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc công nhận các tổ chức chứng nhận GP tại Indonesia vào năm 2023 và tại Singapore, Thái Lan vào năm 2024 đã tái khẳng định vai trò của APO như một tổ chức xây dựng thể chế và là đầu mối thông tin về năng suất ở cấp độ khu vực.
Phát triển bền vững là mục tiêu toàn cầu. Các sáng kiến toàn cầu về phát triển bền vững, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000, Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2015 và Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 đều yêu cầu sự tiến hóa về trọng tâm, cách tiếp cận và mục tiêu. APO với sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dưới tầm nhìn APO đến năm 2025 là “Tăng trưởng năng suất bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo ở Châu Á – Thái Bình Dương,” đã phát triển một lộ trình mở rộng và đào sâu khái niệm GP, GP 2.0, thông qua khoản tài trợ đặc biệt từ Chính phủ Nhật Bản.
Ấn phẩm “APO Green Productivity 2.0: The Road Ahead” báo cáo các hoạt động được thực hiện trong quá trình phát triển Lộ trình GP 2.0 cho các hoạt động và sáng kiến tương lai của APO. Việc xác định 30 phương pháp tiếp cận then chốt cùng các yếu tố hỗ trợ và công nghệ tương ứng đã tạo ra cơ sở dữ liệu kết hợp các lĩnh vực nông nghiệp, tiêu dùng, sản xuất và dịch vụ. Việc phát triển hệ sinh thái GP 2.0 sẽ trang bị cho các nhà hoạch định chính sách những công cụ ra quyết định có cơ sở. Việc triển khai các hoạt động theo Lộ trình GP 2.0 cũng sẽ nâng cao năng lực ở cấp độ cá nhân, củng cố ba yếu tố nền tảng (*triple bottom line*) ở cấp độ tổ chức, tạo điều kiện cho việc ra quyết định có căn cứ ở cấp độ chính sách thông qua việc phát triển các hệ thống, chương trình, công cụ kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu…
Việc phát triển GP 2.0 đóng vai trò then chốt trong việc đặt sáng kiến GP của APO lên một lộ trình mới, phù hợp với sự gia tăng nhận thức và các hành động toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Nỗ lực này đòi hỏi phải đối mặt với thách thức phức tạp do các khung phát triển bền vững đương đại, chẳng hạn như các chính sách phát thải ròng bằng không và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, khiến dự án trở nên đầy thử thách ngay từ bản chất.
Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024, Nhóm Công tác Kỹ thuật (TWG), bao gồm các thành viên từ Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hòa Hồi giáo Iran, Malaysia, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã được giao nhiệm vụ phát triển các phương pháp tiếp cận và lộ trình cho GP 2.0. Đại diện Việt Nam tham dự Nhóm TWG là Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, kiêm Giám đốc APO của Việt Nam.
Nhóm TWG đã hợp tác với các chuyên gia về GP để xác định các phương pháp tiếp cận, cùng với yếu tố hỗ trợ, công nghệ, phương pháp luận tương ứng, nhằm phát triển một lộ trình các hoạt động. Lộ trình này sẽ là tài liệu tham khảo cho các hoạt động của APO trong nhiều thập kỷ tới, hướng tới mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế xã hội toàn diện ở cấp độ khu vực. Sau khoảng thời gian thảo luận sâu rộng giữa các chuyên gia, GP 2.0 đã được hình thành thành công như một hệ sinh thái với các trọng tâm, dự án, phương pháp tiếp cận, yếu tố hỗ trợ, phương pháp luận, và mốc thời gian được xác định rõ ràng.
Tài liệu APO GP 2.0: https://www.apo-tokyo.org/wp-content/uploads/2024/10/APO-GREEN-PRODUCTIVITY-2.0_PUB.pdf
Anh Vũ