Xây dựng huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Sau chặng đường hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Tân Yên có nhiều khởi sắc và là địa phương thứ 3 của tỉnh đạt chuẩn NTM. Thành công trong xây dựng NTM của huyện Tân Yên không chỉ từ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở mà đã khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân, sự tham gia của các doanh nghiệp, con em xa quê đang sinh sống và làm việc trên khắp cả nước.

Từ khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Tân Yên là địa phương có xuất phát điểm rất thấp, số tiêu chí bình quân toàn huyện là 6,2 tiêu chí/xã. Nguồn lực cần đầu tư cho xây dựng nông thôn mới lớn, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh để các xã và huyện xây dựng để đạt chuẩn nông thôn mới không nhiều, trong đó có một số tiêu chí khó, cần đầu tư kinh phí lớn như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Thời điểm đó, hình ảnh dễ bắt gặp ở bất kỳ làng quê nào trong huyện đó là những con đường đất, nhỏ hẹp, gồ ghề; quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, thu nhập của một số hộ dân ở nông thôn còn thấp.. nên huy động nguồn kinh phí đóng góp của Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Ảnh1
Quảng trường Lương Văn Nắm, thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang.

Nhận thức về chương trình nông thôn mới sẽ là “cú hích” để những làng quê “thay da, đổi thịt”, Huyện ủy Tân Yên ban hành Nghị quyết, UBND huyện đưa ra kế hoạch thực hiện với bước đi, lộ trình cụ thể. Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cùng với quyết tâm cao, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh cùng sự đồng thuận của Nhân dân, sự ủng hộ của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, huyện Tân Yên đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện thứ 2 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đáng chú ý, nhờ chọn hướng đi đúng, phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, khơi dậy sự chung tay của người dân, huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều tiêu chí đạt kết quả cao, nổi trội hơn so với bình quân chung của tỉnh, vượt so với quy định của Bộ tiêu chí. Tiêu biểu như, sản xuất nông nghiệp tạo được dấu ấn riêng, là huyện có sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc trưng phát triển theo tiềm năng, lợi thế vùng, đàn lợn, diện tích thủy sản đứng đầu tỉnh; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 158 triệu đồng/năm; tăng 102 triệu đồng so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,26 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 4 lần so với năm 2011); huy động 3.668,629 tỷ đồng, trên 3 nghìn hộ dân hiến đất với 123.823 m2 đất, trên 60 nghìn ngày công lao động đóng góp cho xây dựng NTM. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, thể thao được xây dựng làm mới; cơ cấu, tổ chức sản xuất, chất lượng lao động khu vực nông thôn chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, mối quan hệ thôn làng được gắn bó, an ninh trật tự xã hội được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố.

Với tinh thần không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được bởi xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm đi vào thực chất, tất cả là để phục vụ người dân. Theo yêu cầu Bộ tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 duy trì 20/20 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tại những địa phương này sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện tốt việc thu gom, phân loại xử lý rác thải xây dựng cảnh quan sáng- xanh- sạch- đẹp gắn với hình thành tuyến tham quan, trải nghiệm tại các xã…

Để hoàn thành mục tiêu này, trước mắt huyện sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch xã theo đồ án quy hoạch vùng huyện, tích hợp quy hoạch chung của tỉnh đã được phê duyệt; hình thành, hoàn thiện một số tuyến đường kết nối, tiếp tục cải tạo, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường huyện; mở rộng các tuyến đường xã, đường liên thôn, ngõ xóm; nâng cao tỷ lệ cứng hóa bê tông đường nội đồng gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các vùng tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng- xanh- sạch- đẹp. Huyện tiếp tục phát động “Tân Yên chung sức xây dựng NTM”; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Tập trung xây dựng con người văn hoá và lối sống, môi trường văn hoá lành mạnh; huy động các nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hoá; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; tăng cường xã hội hoá xây dựng hạ tầng văn hoá – thể thao.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng huyện Nông thôn mới chính là tiền đề, là động lực để huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu này đã đặt ra yêu cầu, Tân Yên phải có ít nhất 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới kiểu mẫu, ít nhất 43 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay, với Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao huyện mới đạt 02/9 tiêu chí, còn 7 tiêu chí phải tiếp tục nâng cao chất lượng để hoàn thành gồm: Tiêu chí 1. Quy hoạch; tiêu chí 2. Giao thông; Tiêu chí 5. Y tế – Văn hóa – Giáo dục; Tiêu chí 6. Kinh tế; Tiêu chí 7. Môi trường; Tiêu chí 8. Chất lượng môi trường sống; Tiêu chí 9. An ninh, trật tự – Hành chính công. Từ nay đến năm 2025, ngoài việc hàng năm cần duy trì, nâng cao các tiêu chí xã, huyện Nông thôn mới, huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí chưa hoàn thành của Bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới nâng cao. Cụ thể là:

Quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn; đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng giao thông, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng và có ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, xây dựng chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2, trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định, nâng cao chất lượng môi trường sống nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình tập trung theo quy chuẩn, xây dựng ít nhất 01 mô hình xã, thôn thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiêu chí môi trường được nâng cao.

Để từng bước hoàn thành mục tiêu huyện NTM nâng cao, năm 2022 huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo xã Phúc Sơn, Ngọc Châu, Quế Nham đạt chuẩn xã NTM nâng cao; cùng đó xây dựng xã Việt Lập trở thành xã kiểu mẫu vào năm 2023. Cùng với tạo đà ở 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 18 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, năm 2022 có thêm 19 thôn, nâng tổng số thôn đạt chuẩn thôn Nông thôn mới kiểu mẫu là 37 thôn. Hiện nay, đến những thôn này, điều dễ nhận thấy là đường liên thôn, xóm đều đổ bê tông khang trang, mặt đường rộng 3,5 m trở lên, có điện thắp sáng, hai bên trồng hoa, cây cảnh; nhiều tuyến đường còn được vẽ tranh. Các công trình giao thông, thủy lợi được nâng cấp. Công trình nhà văn hóa, khu thể thao thôn được xây dựng mới hoặc cải tạo sạch đẹp; có sân tập thể dục, khu thể thao. Thôn có tổ vệ sinh môi trường hằng ngày thu gom rác thải. Hệ thống chính trị đều vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân đoàn kết, nông thôn yên bình.

Ảnh2
Đồi vải sớm xã Phúc Hoà, Tân Yên, Bắc Giang.

Huyện Tân Yên xác định, để xây dựng NTM hiệu quả, bền vững điều cốt lõi cần thực hiện là đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, đời sống vật chất người dân nông thôn đồng thời tập trung chỉnh trang, mở rộng khu đô thị, dân cư đô thị. Vì vậy Tân Yên đã chú trọng đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi, thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích. Tích cực áp dụng khoa học công nghệ, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết vào sản xuất và khâu tiêu thụ. Hiện nay, Tân Yên đang duy trì sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập (lúa chất lượng, lạc, rau quả thực phẩm) sản xuất 3-4 vụ/năm có liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cho doanh thu 135-170 triệu đồng/ha/vụ; duy trì diện tích sản xuất lúa chất lượng với diện tích 5.722 ha, góp phần nâng cao giá trị. Huyện cũng chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 72 mô hình như: Rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, tưới nước tự động trên cây ăn quả. Đặc biệt, huyện thực hiện phát triển sản xuất cây ăn quả với 3.600 ha, trong đó có 1.800 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 423 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (vải sớm 348 ha, ổi 45 ha, bưởi 25 ha, vú sữa 5 ha). Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGap, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ tại xã Phúc Hòa diện tích 15 ha. Các sản phẩm vải sớm, vú sữa, ổi đã có truy suất nguồn gốc và bao bì đóng gói; xây dựng và phát triển 3 vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (vải sớm, ổi, bưởi), giá trị sản xuất đạt trên 400 triệu/ha/năm (tăng 1,5 lần so với sản xuất thông thường). Tiếp tục phát triển cây dược liệu có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Cây đinh lăng, gấc, sâm nam, nghệ. Xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, đến nay toàn huyện có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Để phấn đấu đạt mục tiêu huyện Tân Yên đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, từ nay đến năm 2025 khối lượng công việc nhiều, khó khăn; tuy nhiên, với kế hoạch, lộ trình cụ thể, sự chung tay góp sức của nhân dân, huyện nỗ lực dồn sức để hoàn thành mục tiêu lớn, phấn đấu đạt chuẩn huuyện NTM nâng cao đảm bảo lộ trình đề ra./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích