Xây dựng hành lang kinh tế Việt – Trung phồn vinh, phát triển bền vững
Tham dự bế mạc, về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội; Phạm Quí Tiên – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Kim Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Dự lễ bế mạc còn có đồng chí Lưu Hiểu Khải – Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đồng chí Hoàng Minh Sơn – Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Báo cáo kết quả thảo luận các phiên chuyên đề hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ X đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề với các chủ đề chính là: Đầu tư – thương mại; văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục; giao thông vận tải, logistics. Các phiên thảo luận nhằm mục đích tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra định hướng, phương thức hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan.
Tại 3 phiên chuyên đề, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian vừa qua, về những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để trao đổi, làm rõ và thống nhất nhận thức chung, định hướng, kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở hướng tới quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, tạo sự liên kết giữa các địa phương trên tuyến hành lang.
Lễ ký kết Biên bản Hội nghị. |
Theo đó, về lĩnh vực đầu tư – thương mại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về kết quả triển khai hoạt động thu hút và thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, tạo tiền đề cho việc triển khai hoạt động hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế trong nhiều lĩnh vực liên quan khác như thương mại, du lịch…; chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết thương mại và phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử… nhằm thúc đẩy kết nối thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương trong hành lang kinh tế với nhau và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Về lĩnh vực văn hóa, các đại biểu đã thống nhất tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hoá và phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng thành phố sáng tạo…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao cờ đăng cai cho đồng chí Lưu Hiểu Khải – Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). |
Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch trên tuyến hành lang; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thu hút khách du lịch giữa hai nước; chủ động xây dựng các chương trình khảo sát, xúc tiến, quảng bá điểm đến…
Về hợp tác y tế, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành, điều tiết hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở thành phố Hà Nội với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt – Trung.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch; triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu; thúc đẩy và hỗ trợ các chương trình trao đổi nhân lực với các Bệnh viện y học cổ truyền tại các tỉnh thành lân cận, tại Vân Nam – Trung Quốc và có thể mở rộng tại các bệnh viện y học cổ truyền của Trung Quốc thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển giao các kỹ thuật, các mô hình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
Về lĩnh vực giao thông vận tải – logistics, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải gắn với phát triển dịch vụ logistics; cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong hành lang kinh tế và qua biên giới, gắn liền với phát triển hạ tầng logistics; định hướng phát triển dịch vụ logistics hướng đến liên kết vùng; thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đồng thời khẳng định những kết quả đạt được trong thời gian qua đã chứng minh sức sống của cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong Hành lang kinh tế; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy ổn định, phồn vinh của hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Một số kết quả cụ thể đã được Hội nghị ghi nhận, trong đó nổi bật là hoạt động hợp tác đã giúp các địa phương vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19; giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu,…
Bên cạnh việc đánh giá, ghi nhận những kết quả tích cực, Hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thỏa thuận hợp tác.
Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác trong thời gian tới, trong đó thống nhất ưu tiên một số lĩnh vực: Đầu tư và trao đổi thương mại; hợp tác phát triển du lịch; giao thông vận tải; giáo dục, văn hoá, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển nông nghiệp.
Các địa phương tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hợp tác, tìm kiếm kênh trao đổi thông tin phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp giao lưu, kết nối, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các điều ước quốc tế.
Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ X tiếp tục thống nhất việc duy trì gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa các địa phương và đã quyết định Hội nghị lần thứ XI sẽ được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào năm 2025. Biên bản Hội nghị lần thứ X được ký kết đã thể hiện mong muốn và quyết tâm của các địa phương trong việc xây dựng một Hành lang kinh tế phồn vinh, phát triển bền vững.
“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm của các địa phương cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương của hai nước, nhất định một Hành lang kinh tế phồn vinh sẽ sớm trở thành hiện thực”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô