Xây dựng giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, TS. Indra Pradana Singawinata – Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), TS. Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Đại học Quốc gia Singapore, ông Arsyoni Buana – Ban thư ký APO, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, đại diện các Vụ, Viện, Trung tâm, Văn phòng cùng đông đảo đội ngũ công chức, viên chức thuộc Tổng cục.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết: “Trong nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng của mọi quốc gia chính là khoa học công nghệ, trong đó năng suất chất lượng là yếu tố đảm bảo cho mọi thành công. Ngoài ra, khoa học công nghệ còn là yếu tố có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Có thể nói, trong kinh tế thị trường, giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia là yếu tốt then chốt để tăng trưởng trên cơ sở khoa học công nghệ luôn được cải tiến để phù hợp với tính chất, phạm vi, quy mô của tổ chức, doanh nghiệp tại thời điểm nhất định. Nếu một quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động tốt sẽ đưa đất nước phát triển, ngược lại nếu không có các giải pháp hoặc giải pháp không hiệu quả thì sẽ bị lạc hậu và tụt lại phía sau”.

TS. Indra Pradana Singawinata – Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) 

TS. Indra Pradana Singawinata – Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho rằng, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức APO, kế hoạch tổng thể về nâng cao năng suất lao động thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều tăng trưởng tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế. Chính vì vậy, để tăng năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam cần đặt ra mục tiêu dài hạn, trong đó vai trò của nâng cao năng suất cần được chú trọng nhiều hơn và cần sự tham gia, phân công cụ thể giữa các bộ, ngành chủ trì thực hiện. TS. Indra Pradana Singawinata cũng đưa ra khuyến nghị về quản trị, tái cơ cấu, các lĩnh vực trọng tâm bao gồm ngân sách, nhân sự của tổ chức năng suất quốc gia nhằm phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

TS. Indra Pradana Singawinata – Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) trao tặng sách cho lãnh đạo Bộ KH&CN.

Tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL đã có bài phát biểu tổng quan Dự thảo Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo TS. Hà Minh Hiệp, nổi bật với nhiều nội dung: Quá trình hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam diễn ra xuyên suốt từ năm 1996 cho đến nay, được chia thành 3 thập niên. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất tại Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và đổi mới doanh nghiệp.

TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL trình bày tham luận tại Hội thảo

Cho đến giai đoạn này, với Chương trình 1322, năng suất càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn khi đã trở thành môn học trong các chương trình giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Chương trình đào tạo 5S cũng dần được đưa vào giảng dạy trong môi trường cấp 3, cấp 2 và tiến tới là môi trường cấp 1.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình nâng cao năng suất lao động, trong đó nổi bật nhất 4 trụ cột: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Hệ thống giáo dục và đào tạo; Mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa…

Dựa trên các điều kiện đó, TS. Hà Minh Hiệp đã nêu 6 quan điểm để xây dựng đề án giải pháp nâng cao năng suất lao động: Mô hình tăng trưởng mới; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính; Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Đồng bộ các chính sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Sự tham gia của các cấp, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực.

 TS. Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ “Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất Việt Nam đến 2045 – đề xuất cải cách và các khuyến nghị chính sách” tại Hội thảo

Tại hội thảo, TS. Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Đại học Quốc gia Singapore đã trao đổi về “Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất Việt Nam đến 2045 – đề xuất cải cách và các khuyến nghị chính sách”.

Trong bài trình bày của mình, TS. Vũ Minh Khương đã chỉ ra 4 động cơ giúp năng suất lao động của một quốc gia trở nên phát triển vượt bậc: Engagement (Sự cộng hưởng), Enlightenment (Sự khai sáng), Engineering (Sự kiến tạo), Evolution (Sự cải tiến). Trong đó, sức mạnh lớn nhất để đất nước có thể “cất cánh”, thúc đẩy phát triển năng suất một cách vượt bậc đó chính là tổng lực của một dân tộc.

Các đại biểu cũng được nghe phần giới thiệu về Tổ chức APO và hoạt động của APO tại Việt Nam của ông Arsyoni Buana – Ban Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á. Được biết trong năm nay, một số dự án như: Xây dựng kế hoạch phát triển năng lực thể chế cho các tổ chức phi lợi nhuận; Diễn đàn năng suất quốc gia; Nhiệm vụ nghiên cứu về năng suất xanh hay Nghiên cứu về thực hành quản lý tốt sẽ được tiếp tục triển khai.

 Ông Arsyoni Buana – Ban thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO).

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe phần đánh giá, góp ý sâu sắc từ các chuyên gia nhằm hoàn thiện, xây dựng nội dung giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại biểu, chuyên gia, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất nêu tại hội thảo và hoàn thiện sớm nhất từ đó đề ra giải pháp nhằm nâng cao nâng suất lao động đến năm 2030.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích