Xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật cho hoạt động xây dựng TC, QCKT và hoạt động GTCLQG
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã hình thành và phát triển trong hơn 60 năm qua đã xây dựng và công bố trên 13.500 TCVN, tỷ lệ hài hòa của hệ thống TCVN với TCQT/KV tính đến 31/12/2021 khoảng 61%, hệ thống TCVN đã đóng góp trong việc phục vụ quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) là những căn cứ kỹ thuật tin cậy để các tổ chức đánh giá sự phù hợp dùng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp để đảm bảo nguyên tắc tương đương và công nhận lẫn nhau nhằm đảm bảo sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường có chất lượng đảm bảo và được ổn định, điều này tạo cơ hội thuận lợi hoá trong thương mại.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật (QCVN/QCĐP) bắt đầu hình thành từ năm 2007 là hệ thống văn bản được hình thành theo quy định của Luật TC&QCKT trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 1999 và các văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng đã ban hành trước khi Luật TC&QCKT có hiệu lực và đến nay Hệ thống quy chuẩn quốc gia có khoảng gần 800 QCVN và khoảng 16 QCĐP đã trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.
Ảnh minh hoạ
Hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã hình thành và hoạt động được hơn 22 năm từ năm 1995 và chính thức tổ chức xét thưởng năm 1996. Năm 2009 được chính thức đổi tên từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP. Giải được thực hiện hàng năm nhằm động viên, khích lệ và là sự khen tặng và tôn vinh của Thủ tướng Chính phủ đối với những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc và nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tham gia tích cực phong trào năng suất – chất lượng của Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay quy trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia thực hiện theo Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ; quy trình xây dựng QCKT thực hiện theo Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ và quy trình hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thực hiện theo Thông tư 27/2019/TT-BKHCN ngày 26/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc lập dự toán xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và QCKT trên cơ sở Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 28/4/2020 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và QCKT còn các hoạt động khác đang lập dự toán dựa trên cơ sở Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí nhiệm vụ khoa học công nghệ, v.v… dẫn đến các hoạt động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn, QCKT và hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia vẫn phải áp dụng theo Thông tư số 100/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể: Định mức kinh phí cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT còn chưa đủ theo thực tế công việc thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nguyên nhân do định mức trong thông tư chỉ áp dụng cho đơn vị quản lý nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Hoạt động xây dựng dự toán đối với hoạt động xây dựng TCVN, QCKT và hoạt động GTCLQG chưa phù hợp với hoạt động thực hiện hiện nay; Hiện nay những quy định về nội dung chi, định mức chi đối với vật tư, nguyên liệu và máy móc thiết bị cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT và hoạt động GTCLQG không được lập vào dự toán hoạt động mà vẫn tính trên chi phí quản lý chung của nhiệm vụ ảnh hưởng rất nhiều đối với các đơn vị sự nghiệp hiện nay.
Trên cơ sở Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ” và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18/12/2019 Quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong đó có việc xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, QCKT và hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật cho nhóm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, QCKT và hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã khắc phục tình trạng chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật để lập, phê duyệt dự toán cho lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn, QCKT và hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đảm bảo thực hiện chủ trương đổi mới quản lý dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên.
Phùng Quang Minh – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam