Xây dựng công trình ngầm dưới sông Tô Lịch, liệu có khả thi?

(Xây dựng) – Theo các chuyên gia, xây dựng công trình ngầm là yếu tố cần thiết trong đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các công trình ngầm được khai thác tối đa và đảm bảo sự kết nối giữa phần ngầm và phần nổi, cần quy hoạch tổng thể rõ ràng và tầm nhìn sâu rộng. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình ngầm như cao tốc, bãi đỗ xe… cần được nghiên cứu cẩn trọng, tính toán cụ thể chi tiết từ quy hoạch, nguồn vốn, tác động đến xã hội, mội trường…

xay dung cong trinh ngam duoi song to lich lieu co kha thi
Sử dụng không gian ngầm là xu thế của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Đầu năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (Công ty JVE) đề xuất về dự định xây dựng một hệ thống cống, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy.

Theo ý tưởng đề xuất, tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 – Võ Chí Công – sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công – đường Vành Đai 3 – Linh Đàm. Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80km/h và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp.

Hiện sông Tô Lịch đang gánh phần lớn nước thải với 280 họng nước thải. Dòng sông này đang làm nhiệm vụ chính là thoát nước về mùa mưa cho 4 quận nội thành, một số chuyên gia đều nhận định, nếu chúng ta thay đổi là phá vỡ quy hoạch, chưa kể hiện tại Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ (tại Hà Đông) có tổng chiều dài 52 km đang được triển khai.

Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.

Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.

Bàn về các công trình ngầm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam cho rằng: Việc kết nối giữa không gian ngầm với công trình trên mặt đất một cách thuận tiện là yêu cầu bắt buộc. Xu thế các nước là kết hợp giữa trung tâm thương mại, giao thông ngầm, nổi… Ở Hà Nội, cơ quan chức năng xác định xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả phần nổi và ngầm nhưng quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, hiện nay, nhiều công trình có phần ngầm dưới mặt đất nhưng chưa có dữ liệu. Trong khi đó, điều kiện địa chất, thủy văn của Hà Nội cũng rất phức tạp.

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý về khai thác và sử dụng không gian ngầm vẫn còn thiếu. Nếu như trên mặt đất, chúng ta có nhiều công cụ để quản lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, thì những công trình ngầm chưa có cơ chế, quy định cụ thể để thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của chủ đầu tư về khai thác công trình ngầm như thế nào.

Liên quan đến siêu dự án công trình ngầm dưới sông Tô Lịch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, cần xác định mục tiêu cụ thể. Ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu cụ thể. Trong vòng 3 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội đã tìm nhiều biện pháp để hồi sinh sông Tô Lịch. Nhiều phương án được thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Việc xác định nguồn vốn để thực hiện dự án cũng rất quan trọng.

Đặc biệt, hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng, sông Tô Lịch không chỉ để thoát nước mà có giá trị văn hóa, lịch sử nhất định, cần được bảo tồn và khai thác cảnh quan thiên nhiên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích