Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Tháng 4 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng Web-GIS để quản lý đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn Đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen.
Đoàn chuyên gia gồm 9 người đến từ Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) đã cùng WWF-Việt Nam và Ban quản lý KBT ĐNN Láng Sen tiến hành công tác nói trên, từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học của khu KBT ĐNN Láng Sen, cũng là khu Ramsar thứ 2227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam.
Tiến sĩ Huỳnh Quang Thiện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật của SIE cho biết: “Kết quả khảo sát sẽ đưa ra câu trả lời cho công tác quản lý, khoanh vùng, và bảo vệ đa dạng sinh học vùng ĐNN. Cụ thể, việc điều tra cung cấp dữ liệu đầu vào để đo lường hiệu quả quản lý trong tương lai, hay sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống của các loài hay đa dạng sinh học của từng vùng.”
Trong tương lai gần, các kết quả, số liệu, và hình ảnh của chuyến khảo sát sẽ được giới thiệu trực tuyến trên một nền tảng Web-GIS. Trên nền tảng này, tọa độ cụ thể của mỗi điểm phát hiện ra loài sẽ được ghi nhận kèm theo hình ảnh trực quan. Theo tiến sĩ Huỳnh Quang Thiện, “Với nền tảng này, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ kết quả khảo sát, chẳng hạn hình ảnh những loài quý hiếm tới nhiều người hơn. Nó giống như một bảo tàng trực tuyến về loài vậy. Hi vọng, công chúng, đặc biệt là các em học sinh sẽ học được thêm điều bổ ích về đa dạng sinh học ở khu vực khảo sát nói riêng và Việt Nam nói chung.”
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với tổng diện tích 5.030 ha, được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước. Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng đã làm phong phú quần thể động thực vật ở đây.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ, Láng Sen hiện có 156 loài thực vật hoang dã, nhiều nhất là các loài sen, súng, mồm, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa… Động vật có xương sống ở Láng Sen cũng rất đa dạng gồm 149 loài, trong đó loài chim và loài cá chiếm đa số, tiêu biểu như: sếu đầu đỏ, già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, le le, cò trắng chân xanh, vịt trời, điên điển, cá thát lát, cá lia thia, cá linh, cá ngựa, cá nàng hai, trê vàng…
Việc bảo tồn sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái vùng đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa cho một vùng đất ngập nước lưu vực sông Mekong.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị