Xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%.

xay dung co che dac thu cho tphcm phat trien nhanh ben vung hon
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Phú Trung. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sau 5 năm triển khai nhiều nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, góp phần kiến tạo những động lực mới cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo dài cũng đã khiến cho nhiều cơ chế, chính sách thí điểm chưa được triển khai như mong muốn.

Nhiều kết quả nổi bật

Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực gồm quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Theo đánh giá chung của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật (trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19), kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm âm 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý 1 đạt 1,87%, quý 2 đạt 5,73%, quý 3 đạt 30,62%; bình quân 9 tháng đạt 9,71%.

Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Đi vào phân tích kết quả các lĩnh vực cụ thể cho thấy trong lĩnh vực quản lý đất đai, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích 1.843,79 ha.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Về quản lý đầu tư, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn 12.954,3 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.403,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng.

Về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, Thành phố đã triển khai được một số nội dung như Hội đồng Nhân dân Thành phố đã tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp lên 5-6 lần so với quy định của Chính phủ.

Tính đến nay, tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 132,6 tỷ đồng; trong giai đoạn 2018-2021, Thành phố đã phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là 11.387,4 tỷ đồng.

Mức dư nợ đến ngày 31/12/2021 là 24.161,6 tỷ đồng, bằng 31,9% mức dư nợ cho phép.

Về cơ chế ủy quyền, chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố và chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia…, đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ủy quyền cho các sở-ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân Thành phố trong các lĩnh vực đô thị, môi trường, kinh tế, ngân sách, văn hóa, xã hội, khoa học và kiểm tra công tác quản lý hành nghề luật sư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hóa, xã hội, khoa học và nội vụ.

Đối với chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần; năm 2019, là 1,2 lần; năm 2020, là 1,8 lần.

Trong các năm 2019, 2020 và 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trước diễn biến tình hình dịch COVID-19, Thành phố có điều chỉnh tăng giảm hệ số chi thu nhập tăng thêm.

Tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của Thành phố năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng; năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.

Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.

Tuy mới đạt được kết quả khiêm tốn bước đầu, nhưng chính sách này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám,” vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ra đời đã tạo điều kiện cho Thành phố tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn.

Đây chính là quyết sách quốc gia kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố.

Qua thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, có thể thấy tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.

Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, theo ghi nhận của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước như quy định Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công; quy định về cơ chế ủy quyền, quy định về điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố; quy định về phân cấp nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Còn nhiều hạn chế

Cùng với những kết quả nổi bật đạt được, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, thậm chí không thể triển khai, không cần cơ chế đặc thù.

Cụ thể như đối với việc thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương hàng năm, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã có quy định theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các cơ quan, đơn vị, nguồn cải cách tiền lương trích theo theo quy định vẫn thấp hơn so với nhu cầu tăng lương theo lộ trình và chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, nên ngân sách Thành phố vẫn phải bổ sung để đảm bảo.

Từ khi Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực thi hành, chỉ có 2 cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến nay 2 cơ sở nhà, đất này vẫn chưa thực hiện được việc bán.

Những nội dung thành phố chưa thực hiện được như việc ứng vốn ngân sách Thành phố thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; thí điểm quy định đối với thuế tiêu thụ đặc biệt…

Về cổ phần hóa, theo quy định đến hết năm 2020, Thành phố phải thực hiện cổ phần hóa đối với 38 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, nên đến nay Thành phố đã phải tạm dừng triển khai.

xay dung co che dac thu cho tphcm phat trien nhanh ben vung hon
Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về khách quan, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm Thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế Thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Về chủ quan, khi xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách, Thành phố gặp phải khó khăn, thách thức phát sinh như việc xây dựng cơ chế chính sách mới về thu ngân sách, công tác cổ phần hóa, thu hút nhân tài…

Bên cạnh đó, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan Trung ương còn hạn chế như việc sắp xếp nhà đất trên địa bàn Thành phố.

Đề xuất bổ sung, thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời thực hiện các nội dung còn chậm, tạm dừng hoặc chưa triển khai được, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ trình Quốc hội, cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023.

Cùng với đó, Thành phố cũng kiến nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính thành phố Thủ Đức; trong đó tập trung cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo; chính sách và cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức.

Đối với lĩnh vực tài chính, Thành phố xin cơ chế để huy động có hiệu quả các nguồn lực đang còn nhiều dư địa để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: quỹ đất đô thị hóa, nhất là giá trị gia tăng do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng; thuế đối với bất động sản thứ 2 người dân đang sở hữu vì mục đích đầu tư; mặt bằng, bất động sản do Nhà nước quản lý sử dụng dôi dư; doanh nghiệp nhà nước do Thành phố quản lý và nguồn lực đầu tư tư nhân.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đề xuất, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong thời gian tới theo các nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW và Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị; chỉ kiến nghị những cơ chế, chính sách đặc thù, với những nội dung không ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; không xin tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung hiện nay, mà xin cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư.

Để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi và an toàn khi thực thi, Thành phố kiến nghị cần cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội bằng một Nghị định của Chính phủ và những nội dung được điều chỉnh bởi Nghị định này, thì không điều chỉnh bởi các quy định khác./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích