Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam

Xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững

1
Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị.

Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố cho biết, hai tháng đầu năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi, có nhiều dấu hiệu khởi sắc; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 14,8%…

Theo bà Trần Kim Yến nhấn mạnh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; đã phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

“Cuộc vận động đã gắn với nhiều Chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo sức lan tỏa lớn; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố”, bà Yến khẳng định.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động luôn trăn trở và mong muốn cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể để nâng cao chất lượng cuộc vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức từ trong các giới, các tầng lớp Nhân dân; trong hệ thống chính trị là chuyển từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”.

Bà Yến nhìn nhận, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chỉ bán sản phẩm mà họ và người thân sẵn sàng sử dụng; nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn. Đây là điều rất đáng mừng, cũng là điều kiện cần để Ban Chỉ đạo đề ra Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá; Chương trình thực hiện kết nối các hệ thống phân phối, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên tinh thần tự nguyện, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động; cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, các chương trình tạo sức răn đe tổng hợp; định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.

2
TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Trong thời gian qua, đã có những giải pháp quan trọng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm; vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng Việt; vận động Nhân dân không sử dụng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa các sản phẩm như: truy xuất nguồn gốc với ngành hàng nông sản và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm…

“Một giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo quan tâm là xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại – minh bạch – an toàn – hiệu quả. Đó là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực. Đây cũng chính là tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính.” – đồng chí Trần Kim Yến nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước, vẫn còn có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.

“Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp những hạt sạn về hàng hóa trong nước. Lâu lâu, lại có bài báo đưa tin về thực phẩm bẩn, rau bẩn. Thử nghĩ một ngày nếu chúng ta, con em chúng ta sử dụng trúng những thực phẩm đó thì sao?”, ông Phương đặt vấn đề.

Ông Phương cho rằng, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp. Những thỏa thuận, cam kết giữa các nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa và từng bước nhân rộng mô hình.

Đẩy mạnh công tác truyền thông đến người tiêu dùng

3
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chỉ đạo Hội nghị .

Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho rằng, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2009.

Qua từng giai đoạn cụ thể, Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố đã điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các nội dung để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng sát với thực tiễn, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực; tạo sự chuyển biến trong thói quen tiêu dùng của người dân, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá hợp lý.

Số liệu khảo sát những nǎm gần đây cho thấy, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng lên mạnh mẽ. Nếu năm 2018 có 72,66% người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong nước thì đến nǎm 2022 tỷ lệ này đã tăng lên 85,06%. Tại các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hay tại các kênh phân phối khác như: Chợ, cửa hàng tiện lợi,… hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên. Điều này cho thấy người dân ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận – sử dụng hàng Việt.

Ông Hải mong muốn, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh đạt được; nghiên cứu tìm tòi, tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là tìm các cách làm mới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đề nghị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần lưu ý Chương trình phải được triển khai triệt để, hệ thống phân phối, doanh nghiệp cung ứng đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng phải tuân thủ nghiêm cam kết. Chương trình phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, được chia sẻ thông tin thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín… Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người tiêu dùng hiểu rõ về Chương trình, ưu tiên sử dụng sản phẩm đã được doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng và chịu sự kiểm soát chất lượng của 06 hệ thống phân phối lớn.

4
Các đơn vị ký kết trong Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể cần phải đạt được vào năm 2025 theo Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 đề ra tại Đề án ban hành theo Quyết định số 386 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các giới, các tầng lớp Nhân dân giá trị của việc kết nối là nâng cao chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, vận động Nhân dân tham gia phản ánh, góp ý để nâng cao chất lượng hàng Việt, cùng phát hiện và chỉ ra những trường hợp hàng gian, hàng giả kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trên thị trường.

“Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng, phát huy và gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt theo hướng phát triển xanh, bền vững” – đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị.

Cũng tại hội nghị, các đơn vị đã ký kết trong Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Thỏa thuận triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 6 hệ thống phân phối hàng đầu, giữa Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh; Ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; Sở Công Thương và Sở Thông tin Truyền thông ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.

Tại hội nghị, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã ký kết với 6 doanh nghiệp và HTX: Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, Công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).

Hiện các đối tác này cung ứng từ trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Saigon Co.op và các đơn vị này cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích