Xây dựng chiến lược phát triển bền vững nhờ phương pháp thẻ điểm cân bằng

Thẻ điểm cân bằng (Balance Scored Card – BSC) là hệ thống quản lý chiến lược dựa vào kết quả đo lường và đánh giá giúp doanh nghiệp chuyển đổi tầm nhìn, chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá và hoạt động cụ thể. Đây là công cụ quản lý hiệu suất sáng tạo và đa chiều được sử dụng rộng rãi tại nhiều tổ chức và công ty trên thế giới. Thẻ điểm cân bằng cung cấp cơ cấu cho việc lựa chọn các chỉ số đánh giá hiệu suất quan trọng, bổ sung cho các biện pháp tài chính truyền thống, giúp nhà quản trị quản lý và đánh giá hiệu quả thực thi chiến lược của tổ chức một cách toàn diện và đầy đủ, đồng thời liên kết được hoạt động kiểm soát ngắn hạn với chiến lược và tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp.

Thẻ điểm cân bằng được nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới áp dụng. 

Trước bối cảnh phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và thông tin hỗ trợ rất nhiều cho BSC. Có rất nhiều gói phần mềm giúp triển khai những khái niệm của BSC và góp phần tạo dựng BSC, bản đồ chiến lược. Những công ty phần mềm hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Intel… đều sử dụng BSC. Đây là thuận lợi cơ bản để các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận và phát triển BSC tại tổ chức của mình.

Còn tại Việt Nam, lực lượng lao động được đánh giá là khá nhanh nhẹn và thông minh do vậy đây có thể coi là thuận lợi khi áp dụng các mô hình quản lý mới như BSC. Điển hình, tại Công ty Cổ phần Địa ốc và Cáp điện Thịnh Phát – doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện, phụ kiện ngành điện đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 và Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm theo ISO 17025:2005.

 Công ty Cổ phần Địa ốc và Cáp điện Thịnh Phát

Việc áp dụng hệ thống quản lý này tạo điều kiện để Công ty quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra. Nhằm nâng cao hiệu quả toàn diện của hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã triển khai áp dụng BSC với sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1.

Theo đó, dự án trực tiếp cùng đại diện doanh nghiệp thực hành các công cụ cải tiến tại chỗ, đo lường kết quả thực hành trước và sau khi cải tiến để xác định mức độ cải tiến bằng định lượng. Nội dung công việc triển khai thực hiện theo các bước: tiếp xúc, đánh giá khảo sát thực trạng hoạt động và lựa chọn doanh nghiệp; thành lập các nhóm công tác, ban triển khai; đào tạo nhận thức và thực hành BSC; xây dựng tài liệu; áp dụng BSC; thực hiện đánh giá nội bộ…

Công ty đã triển khai ứng dụng BSC, qua đó xác định nhiệm vụ, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và xây dựng chiến lược phát triển bền vững, hỗ trợ chuyển tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp thành những mục tiêu cụ thể, phép đo và chỉ tiêu rõ ràng bằng việc thiết lập hệ thống đo lường hiệu quả trong quản lý công việc.

Quá trình triển khai BSC đã mang lại một số kết quả, giúp Công ty xây dựng được nhiệm vụ, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, đưa ra bảng KPI, các kế hoạch thực hiện sáng kiến, bảng theo dõi báo cáo kết quả thực hiện KPI tháng/quý, báo cáo đánh giá nội bộ, kế hoạch duy trì và cải tiến BSC.

Kết quả, BSC giúp Công ty xây dựng được 16 mục tiêu chiến lược và 64 KPI. Tại thời điểm đó, Thịnh Phát là doanh nghiệp có quy mô sản xuất và kinh doanh lớn nên số lượng KPI được thiết lập lên đến 64. Số lượng các KPI được thực hiện hiệu quả chiếm 56,25%. Số lượng KPI chưa hiệu quả chiếm 26,56%. Khoảng 11,19% KPI chưa đánh giá được do chưa có kết quả (đo theo năm). Phần lớn các chỉ tiêu theo KPI đạt được liên quan đến KPI chính như doanh thu và lợi nhuận, năng suất lao động, tỷ lệ phế phẩm. Do các KPI này có trọng số cao trong tổng số KPI nên hỗ trợ cho các KPI khác đạt được mức hiệu quả tổng thể.

Theo đánh giá chung, nhờ áp dụng BSC đã nâng cao tinh thần làm việc nhóm theo bốn khía cạnh: tài chính, khách hàng, quá trình nội bộ, học tập và phát triển; thành lập các nhóm cải tiến QCC; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các phòng ban/cá nhân nhằm đạt chỉ tiêu các KPI đã đề ra; tạo sự gắn kết làm việc giữa các bộ phận.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích