Xây dựng các dự án Luật quan trọng

(Xây dựng) – Hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ Xây dựng trong năm 2024. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, với chất lượng tốt nhất…

Xây dựng  các dự án Luật quan trọng
Năm 2024, Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các dự án Luật quan trọng và nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn

Đến thời điểm này, Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn chính thức được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Theo đó, Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 7, vào tháng 5/2024; thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho biết: Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn được xây dựng, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn, trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch Đô thị phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các pháp luật khác có liên quan.

Luật tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn khắc phục các tồn tại; Hạn chế bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội nhập quốc tế; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội…

Cũng theo Vụ trưởng Trần Thu Hằng, dự thảo Luật đang được nghiên cứu, xây dựng với quan điểm: Luật thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, gắn phát triển đô thị với phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc, hoạt động và tái tạo sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Các chính sách phải được quy định thống nhất, đảm bảo minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, xử lý tốt các vấn đề chuyển tiếp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, nông thôn; Hoàn thiện các quy định, làm cơ sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch…

Xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị

Ngày 26/12/2023, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05/01/2024 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 với nội dung Bộ Xây dựng hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật năm 2025 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ hợp thứ 9 và thông qua tại Kỳ hợp thứ 10 Quốc hội khóa XV).

Theo Bộ Xây dựng, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị được thực hiện nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay; Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật…

Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu các chính sách cho dự thảo Luật gồm: Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước; Bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.

Các chính sách tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; Hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế – xã hội; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Bộ Xây dựng thực hiện rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, tổng kết đánh giá thực trạng tình hình phát triển đô thị, rà soát các cam kết quốc tế và tổng kết các kinh nghiệm quốc tế…

Triển khai xây dựng Luật Cấp, thoát nước

Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01/12/2023 của Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023, Chính phủ đã thống nhất đưa đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước vào Đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Chính phủ đánh giá cao Bộ Xây dựng trong việc lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và thống nhất với 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.

Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết: Về quan điểm, Luật Cấp, thoát nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kiểm soát quá trình đầu tư phát triển cấp, thoát nước theo quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Các quy định của luật phải bảo đảm đồng bộ với pháp luật liên quan, thúc đẩy đầu tư, phát triển, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát của Nhà nước.

Chính sách đề xuất trong Luật hướng đến giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế, khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; Thu gom, xử lý nước thải theo lưu vực thoát nước, lưu vực sông, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội; Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển công trình cấp, thoát nước theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Luật sẽ là công cụ quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực ngân sách và xã hội, giúp chính quyền địa phương quản lý, xây dựng, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước hiệu quả, bền vững, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Nhằm phục vụ công tác xây dựng Luật, Bộ Xây dựng đã tiến hành tổng hợp ý kiến Bộ ngành liên quan, các địa phương về tình hình triển khai thực hiện; khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp, thoát nước; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành địa phương, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học…; lấy ý kiến cộng đồng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Chính phủ để hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước đã được Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Soạn thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn hai Luật

Năm 2023, 2 dự án Luật quan trọng do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), đồng thời được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. 2 Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Để đưa các chính sách của 2 luật vào cuộc sống, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì soạn thảo dự thảo các nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại chung cư; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS; Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và ban hành các thông tư theo thẩm quyền, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở và thông tư ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích