Xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới

Xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới

Chương trình hành động số 10-CTr/TU xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước.

Chương trình hành động số 10-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội XX Ðảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 xác định mục tiêu phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước.

Theo TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định: Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (gọi tắt Chương trình hành động số 10) được ban hành giữa năm 2021, đề ra 5 mục tiêu chính, gồm: Nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn đạt từ 38 – 42%. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 17 – 20%/năm. Hình thành mới ít nhất 10 DN KH&CN. Hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 10 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; xây dựng, tiến đến hình thành Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) – Đô thị phụ trợ tại TP Quy Nhơn.

Từ năm 2021 – 2023, hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh ở mức cao (năm 2021 hơn 33%, năm 2022 gần 42%). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 DN KH&CN; hỗ trợ thương mại hóa cho 5 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cùng 96 DN công nghệ thông tin với tổng doanh thu ước đạt 400 tỷ đồng/năm (trong đó có 12 DN sản xuất phần mềm). Đặc biệt, triển khai và phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa…

Bên cạnh đó, một số dự án KH&CN có quy mô lớn đã hình thành được những sản phẩm trọng điểm của tỉnh như dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ được đưa vào sản xuất, như: Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP; khai thác, bảo quản để nâng cao chất lượng thủy sản sau đánh bắt; công nghệ vật liệu mới sợi composite để gia cường kết cấu nhịp một số cây cầu đang khai thác; vật liệu mới lớp phủ siêu mỏng tạo nhám để sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã hình thành 5 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

tm-img-alt
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) là DN KH&CN ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi.  Ảnh:T.LỢI       

Tuy nhiên, TS Lê Công Nhường cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN chưa mang tính đột phá và chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, đời sống. Số lượng đề tài, dự án có quy mô lớn, tác động đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh chưa nhiều. Hầu hết DN trong tỉnh quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, ít cơ sở công nghiệp và dịch vụ lớn tạo đòn bẩy để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Nguồn lực thông tin KH&CN, nhất là cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu chuyên gia đầu đàn ở các lĩnh vực công nghệ cao…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này như mức đầu tư cho KH&CN còn thấp; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; mặt bằng KH&CN của tỉnh còn thấp so với hai đầu đất nước; tác động của đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động KH&CN…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích